Hàng loạt công trình nước sinh hoạt hoạt động không hiệu quả

08:07, 30/07/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Liên quan đến vấn đề bức xúc của người dân trước tình trạng nhiều công trình nước sinh hoạt không phát huy hiệu quả gây lãng phí hàng tỷ đồng của Nhà nước. Tại kỳ họp lần thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI, UBND tỉnh đã báo cáo kết quả giải quyết vấn đề này trước HĐND tỉnh. 

TIN LIÊN QUAN

148 công trình ngừng hoạt động
 
Trước những bức xúc của cử tri liên quan đến việc xây dựng công trình nước sạch kém chất lượng, xây dựng hàng chục năm nay nhưng không phát huy hiệu quả sử dụng, gây lãng phí hàng tỷ đồng và cử tri đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng có kết luận, xử lý làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức cá nhân có liên quan. UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra toàn diện việc đầu tư xây dựng các công trình hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh.
 
Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng số công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân đầu tư xây dựng từ năm 1994 đến 2013 được rà soát qua thanh tra là 496 công trình trên địa bàn 106 xã thuộc 13 huyện (trừ TP.Quảng Ngãi), tổng vốn đầu tư trên là 278,172 tỷ đồng, đang cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 127.808/253.638 người. So với thiết kế công trình đạt 50,4%.
 
Nhiều công trình nước sinh hoạt trên địa bàn miền núi đầu tư không hiệu quả
Nhiều công trình nước sinh hoạt trên địa bàn miền núi đầu tư không hiệu quả
 
Tuy nhiên, trong tổng số 496 công trình được ra soát, chỉ có 204 công trình nước sinh hoạt hoạt động bình thường chiếm tỷ lệ 41,13%; còn lại 135 công trình hoạt động một phần và 148 công trình ngừng hoạt động; có 6 công trình chưa đưa vào sử dụng và 3 hạng mục công trình cấp nước sinh hoạt thuộc dạng thủy lợi.
 
Qua tính toán xác định giá trị khối lượng của 107 công trình phát hiện sai phạm các khâu như: Lập thiết kế, dự toán, nghiệm thu, hoàn công, thanh toán, quyết toán với tổng số tiền trên 1.663 tỷ đồng. Trong đó, huyện Ba Tơ 99,5 triệu đồng; Đức Phổ 19,9 triệu đồng; Minh Long 68,9 triệu đồng; Sơn Hà 108, 3 triệu đồng; Sơn Tây 140, 8 triệu đồng; Trà Bồng 55,2 triệu đồng; Tư nghĩa 7,4 triệu đồng; Sở NN& PTNT và Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn 80 triệu đồng.
 
Đâu là nguyên nhân
 
Lý giải về hiệu quả đầu tư thấp, theo báo cáo của UBND tỉnh nguyên nhân là do tổng mức huy động vốn chưa đáp ứng được yêu cầu các mục tiêu, như khoản đóng góp của nhân dân từ 10% trên tổng mức đầu tư đối với xã nghèo đặc biệt khó khăn, 40% đối với các xã còn lại. Đây là một trong những nguyên nhân chính trong việc thi công không hoàn chỉnh các hạng mục công trình. Thường là phần đóng góp của nhân dân không thi công hoặc nhà thầu thi công nhưng nhân dân không đóng góp tiền để thanh toán khối lượng.
 
Việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên ngành, UBND các huyện, các chủ đầu tư còn hạn chế. Năng lực chủ đầu tư hạn chế, đơn vị tư vấn thiết kế thiếu kinh nghiệm trong thiết kế công trình cấp nước sinh hoạt, nhất là miền núi. Đơn vị giám sát, quản lý chất lượng xây dựng công trình không tốt dẫn đến nhiều công trình vừa mới được đầu tư xây dựng hoàn thành đã nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp nên không thể hoạt động.
 
Cùng với đó, UBND các xã và nhân dân vùng trực tiếp hưởng lợi từ các dự án này nhưng tỏ ra thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo, lãnh đạo nhân dân, đoàn thể địa phương tổ chức quản lý, duy tu, bảo dưỡng, cũng như chưa xử lý nghiêm các sai phạm như làm đường, chở keo, mì gây hư hỏng đường ống dẫn nước. Đồng thời, thiếu cán bộ am hiểu kỹ thuật vận hành, sửa chữa công trình; ý thức bảo vệ của người dân còn kém... là nguyên dân dẫn đến công trình nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp, không thể sử dụng được.
 
Công trình xây dựng tiền tỷ nhưng không hiệu quả, trong khi dân thiếu nước sinh hoạt gây nhiều bức xúc cho người dân
Công trình xây dựng tiền tỷ nhưng không hiệu quả, trong khi dân thiếu nước sinh hoạt gây nhiều bức xúc cho người dân.
 
"Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm có ở 3 cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã. Trong đó trách nhiệm quản lý nhà nước trước hết là của Ban Chỉ đạo và thành viên Ban chỉ đạo Chương trình do UBND tỉnh thành lập và Sở chủ trì tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này là Sở NN& PTNT. Các chủ đầu tư các công trình gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả thấp phải chịu trách nhiệm chính đối với những sai phạm của từng công trình"- ông Phạm Trường Thọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.
 
Đối với những sai phạm này, xử lý thu hồi tài sản thất thoát và chỉ đạo kiểm điểm xử lý cán bộ, công chức có liên quan thực hiện theo kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh. 
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong quá trình thanh tra, đã thu hồi tạm giữ số tiền 1.295.676.000 đồng; đến nay, các đối tượng vi phạm đã chấp hành nộp số tiền là 919.467.000 đồng, đạt tỷ lệ 71%; số còn lại Thanh tra tỉnh đang tiếp tục đôn đốc theo đúng quy định.
 
"Để khắc phục những công trình có khả năng sửa chữa, cải tạo, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện và Sở NN& PTNT nghiên cứu đề xuất cụ thể để UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian tới"- ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết
 
 
PV
 
 

.