Học sinh miền núi mòn mỏi... đợi tiền hỗ trợ

10:10, 10/10/2011
.

(QNg)- Vào đầu năm học mới, với nhiều khoản "tiền trường", tiền mua sắm quần áo, sách vở, dụng cụ học tập... đã trở thành gánh nặng với nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá; nên với đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi, khuyết tật… "gánh" này lại càng nặng gấp bội lần khi nguồn hỗ trợ chi phí học tập đang gián đoạn vì... thiếu tiền!

Trong số 36 học sinh (độ tuổi từ 3 - 5) tại điểm trường mẫu giáo thôn làng Mùng, xã Sơn Bao (Sơn Hà) thì đã có hơn 2/3 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo khó khăn, đang được hưởng mức hỗ trợ 70.000 đồng/tháng (theo QĐ 112). Số trẻ còn lại tuy chưa được chứng nhận là con hộ nghèo, nhưng cũng thuộc diện cận nghèo ở khu vực miền núi, vùng cao...
 
Mặc quần áo mới cho các cháu điểm trường mẫu giáo thôn Làng Mùng nhân ngày khai giảng năm học 2011 – 2012
Mặc quần áo mới cho các cháu điểm trường mẫu giáo thôn Làng Mùng nhân ngày khai giảng năm học 2011 – 2012

Do đó theo quy định hiện hành (Nghị định 49) thì từ 1/1/2011, nghĩa là bắt đầu học kỳ 2 của năm học 2010 - 2011, các em này cũng sẽ được nhận mức hỗ trợ 70.000 đồng/tháng. Song dù đã bước vào năm học 2011 - 2012, nhưng khoản tiền này  chẳng thấy đâu.

Theo cô Đỗ Thị Định - giáo viên phụ trách điểm trường thôn làng Mùng thì, dù chưa nghèo, nhưng hoàn cảnh nhiều cháu cũng chẳng khá hơn hộ nghèo là mấy. Vì thế Nghị định 49 ra đời không chỉ tạo điều kiện, mà còn là động lực thúc đẩy các cháu nỗ lực hơn trong học tập. Thế nên tuy đường sá đi lại khó khăn, vất vả, nhưng năm học này phụ huynh vẫn động viên hoặc tự giác đưa con em đến trường đầy đủ. Bởi theo họ đi học đã không phải mất tiền, lại còn được nhận tiền, nên phải… cố, nếu không sẽ bị... cắt.

Vậy là dù phải lội ruộng (vì đi đường chính phải mất 1 giờ đồng hồ) rất vất vả và nguy hiểm vào những lúc mưa to, nhưng 1 nhóm học sinh ở tận thôn Mang Xoài vẫn đều đặn cùng nhau đến lớp mỗi ngày; hoặc các cháu ở điểm thôn Làng Chúc phải vượt sông Ring để ra học ở điểm trường chính. Nhưng đáp lại niềm vui hy vọng của phụ huynh và học sinh, thì khoản hỗ trợ này vẫn... "án binh bất động"!

Chị Đinh Thị Rên - mẹ cháu Đinh Văn Huyền buồn bã: "Nghe cán bộ hứa là vào cuối học kỳ 2 năm học trước mình sẽ được nhận tiền của 3 đứa con, nhưng đã quá mấy tháng rồi mà có thấy đâu. Do vậy, mình cũng không có tiền sắm quần áo mới cho chúng". Còn Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Sơn Bao - cô Nguyễn Thị Học bày tỏ: Bà con ở đây đa số đều khó khăn, thu nhập lại thấp, nên 70.000 đồng đối với họ là một khoản tiền không nhỏ. Vì thế với nhiều gia đình tuy không thuộc diện nghèo, nhưng lại đông con, nên cũng gặp rất nhiều khó khăn khi bước vào năm học mới. Phụ huynh liên tục hỏi tiền, giáo viên cũng chẳng biết đến khi nào có, đành… hứa vậy!   

So với QĐ 112, thì Nghị định 49 có mức hỗ trợ thấp hơn (70.000 đồng/tháng) cho cả học sinh phổ thông và mẫu giáo, nhưng đối tượng thụ hưởng được mở rộng hơn. Cụ thể, ngoài diện học sinh nghèo (theo QĐ 112), thì trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế cũng được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định này.
Tại điểm trường thôn Gò Nay, xã Long Sơn (Minh Long) - nơi đã từng là điểm nóng về hiện tượng học sinh bỏ học. Vì vậy để hạn chế tình trạng này, bên cạnh những nỗ lực tuyên truyền, vận động của chính quyền, nhà trường với phụ huynh học sinh thì Nghị định 49 ra đời kịp thời, đã giải được bài toán kinh tế cho các gia đình này. Thậm chí nhiều người tin rằng sẽ được nhận hỗ trợ vào cuối học kỳ (hoặc định kỳ theo tháng), nên mạnh dạn vay mượn tiền trang trải việc học cho con. Nhưng đợi mãi không có nên họ quay sang nghi ngờ giáo viên… giữ tiền! Do đó theo ông Trần Ngọc Kính - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, người gắn bó và đồng hành với chuyện học của con em ở Gò Nay thì: "Việc chi trả tiền hỗ trợ chậm trễ sẽ làm tăng nguy cơ bỏ học đối với số học sinh này. Chúng sẽ lại theo bố mẹ đi nương rẫy kiếm cái ăn. Khi đó việc vận động các cháu ra lớp sẽ càng khó hơn, vì họ cho rằng cán bộ... thất hứa!".

Thiết nghĩ, chính sách hỗ trợ chi phí học tập theo Quyết định 112 và Nghị định 49 được xem là chủ trương đúng đắn, góp phần động viên, tạo điều kiện và cơ hội, giúp học sinh nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo... vượt khó để học tập. Tuy nhiên việc chậm trễ hoặc gián đoạn trong công tác chi trả đã ít nhiều ảnh hưởng đến mục tiêu này. Bà Trần Thị Lệ Diễm - Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Minh Long cho rằng: "Tuy có quy định, nhưng tiền Trung ương chưa chuyển về, nên dù sốt ruột thì chúng tôi cũng chỉ biết... trông đợi ở cấp trên, sớm tìm hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn, nhằm kịp thời động viên và khuyến khích học sinh miền núi vững tâm bám trường, bám lớp".

                 MỸ HOA

.