Mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước

10:05, 23/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, việc Bộ Chính trị yêu cầu “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước” được xem là điểm mới trong công tác này.
 
[links()]
 
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ 
 
Việc Bộ Chính trị (khóa XII)  ban hành Kết luận số 10  với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong suốt 5 năm qua. Từ vụ án Trịnh Xuân Thanh được phơi bày, nhiều lãnh đạo cấp cao thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý lần lượt bị kỷ luật Đảng, bị khởi tố hình sự như Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng... cho thấy tinh thần đấu tranh của Đảng đối với tệ nạn tham nhũng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Với 87,21 nghìn đảng viên và 1.329 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật trong cả nhiệm kỳ XII; trong đó, hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật là một con số rất đau lòng. Tuy nhiên, điều đó cho thấy sự nghiêm minh trong công tác kỷ luật Đảng. Hàng triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đánh giá cao công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
 
Cơ quan điều tra của Bộ Công an tiến hành niêm phong tài liệu, thiết bị liên quan đến Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết                                          Ảnh: CAND
Cơ quan điều tra của Bộ Công an tiến hành niêm phong tài liệu, thiết bị liên quan đến Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết Ảnh: CAND
Dư luận xã hội từ lâu đã bức xúc lên tiếng về hành vi móc ngoặc giữa một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan công quyền với các cá nhân bên ngoài để bòn rút, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc của Nhà nước. Những người có quyền thường giành những dự án béo bở cho những doanh nghiệp của họ hàng, cánh hẩu, thậm chí là doanh nghiệp của vợ, con mình để trục lợi. Vì vậy, chủ trương “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước” được xem là điểm mới trong Kết luận số 12 của Bộ Chính trị vừa ban hành, thể hiện tầm nhìn và cách tiếp cận của cơ quan lãnh đạo phòng, chống tham nhũng quốc gia ngày càng sát hơn với thực tiễn.
 
Công khai, minh bạch trong phòng, chống tham nhũng 
 
Thực tế cho thấy, vì ưu ái giao dự án giá trị lớn cho người thân mà cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải hầu tòa. Vì chỉ đạo bán rẻ đất công, cổ phần cho doanh nghiệp mà Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Tất Thành Cang phải bị kỷ luật Đảng, chịu sự trừng phạt của pháp luật. Hay vì quan hệ cá nhân mà bán rẻ công sản, ưu đãi cho doanh nghiệp khi đấu thầu, mua bán đất đai, triển khai các dự án đầu tư, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, mà những lãnh đạo cao nhất của chính quyền TP.Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa đã phải ngồi tù... Đó chỉ là một vài vụ việc điển hình trong số nhiều vụ án tham nhũng do có sự móc ngoặc giữa cán bộ công quyền với các cá nhân, doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
 
Không móc ngoặc với tư nhân, không được tư nhân tiếp sức, hành vi tham nhũng sẽ khó thực hiện trọn vẹn. Vì thế, việc mở rộng đấu tranh chống tham nhũng ra những sân sau, chân rết và những đối tượng ngoài khu vực Nhà nước là rất cần thiết. Bởi không chỉ dư luận xã hội, mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng đặt vấn đề: Ai đã đứng đằng sau giúp sức cho những đại gia như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản? Bàn tay nào đã đạo diễn vở kịch Việt Á hoàn hảo từ nghiên cứu đến công nhận, chuyển giao, thao túng phần lớn thị trường kit xét nghiệm Covid-19, với doanh thu 4.000 tỷ đồng đến thời điểm ngăn chặn? Đối tượng liên quan đến vụ án này đã lên đến cấp lãnh đạo ở một số bộ, ngành, địa phương.
 
Việc một số đại gia giàu lên nhanh chóng từ đất đai cũng gây nhiều thắc mắc trong dư luận về tính minh bạch trong quá trình chuyển nhượng, định giá đất, giải tỏa đền bù... Không phải ngẫu nhiên mà người ta tìm mọi cách để chạy quan hệ, chạy dự án, chạy chỉ định thầu. Chỉ cần một sự liên kết như vậy là Nhà nước thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Cho nên, Kết luận số 12 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ là “chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, chứng khoán, trái phiếu...”.  
 
Không phát hiện, không thành án, liệu có ai thống kê được phía sau những cái bắt tay ngầm ấy, các đối tượng tham nhũng đã hưởng lợi được bao nhiêu? Vì vậy, mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước, bịt những lỗ hổng pháp luật, chặn móc ngoặc giữa cán bộ có chức quyền với "sân sau" là đưa công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng sang bước ngoặt mới. Mà sự công khai, minh bạch chính là công cụ, là phương thuốc để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao nhất.
 
        VÂN THIÊNG
 

.