Hậu sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Vẫn còn nhiều điểm nghẽn (kỳ 2)

10:10, 20/10/2021
.
[links(right)]
 
Kỳ 2: Vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm
 
(Báo Quảng Ngãi)- Chủ trương đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi đón nhận và thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành các nội dung theo kế hoạch đề ra. Song, đây là chủ trương mới, một số mô hình chưa có tiền lệ, nên Quảng Ngãi thực hiện theo phương châm, vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm...
 
Tự tìm cơ chế vận hành
 
Nhất thể hoá chức danh được coi là thí điểm có tính đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế theo chủ trương của Đảng. Thực hiện Kết luận 34 của Bộ Chính trị, Quảng Ngãi đã thực hiện nhất thể hóa 4 chức danh đối với cấp huyện và sáp nhập các cơ quan cấp ủy đảng với cơ quan chuyên môn của chính quyền có nhiệm vụ tương đồng; thí điểm mô hình Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; thực hiện linh hoạt mô hình Trưởng ban công tác Mặt trận do bí thư hoặc phó bí thư chi bộ kiêm nhiệm...
 
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây thăm khám cho bệnh nhân.                    Ảnh: PV
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: PV
Việc thí điểm các mô hình trên cho thấy sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân. Qua đó, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền; tăng cường sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa cơ quan Đảng và Nhà nước, tinh gọn đầu mối, giảm biên chế...
 
“Ngành y tế Quảng Ngãi hiện có 4 đơn vị tự chủ 100%, gồm BVĐK tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền và BVĐK Đặng Thùy Trâm. Các đơn vị còn lại được giao không dưới 50%. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hầu hết cơ sở y tế đều giảm nguồn thu, dẫn đến nợ lương, tiền mua thuốc... Sở đã báo cáo và Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý giao Sở Tài chính xem xét, bố trí nguồn để kịp thời cấp lương cho các đơn vị sự nghiệp của ngành y tế. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính phối hợp cùng với Sở Y tế,  Sở Nội vụ và Bảo hiểm xã hội tỉnh khảo sát, đánh giá và xây dựng lại cơ chế tài chính giao quyền tự chủ cho các đơn vị để phù hợp với thực tế”.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế LÊ BÁY

Tuy nhiên, việc thí điểm sáp nhập cơ quan hoặc nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Theo Chánh Thanh tra tỉnh Trà Thanh Danh, nguyên nhân chính là do chưa có văn bản quy định, hoặc hướng dẫn cách thức vận hành khi sáp nhập... Bên cạnh một số địa phương thực hiện sáp nhập cơ quan Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra cũng như nhất thể hóa chức danh Chủ nhiệm UBKT đồng thời là Chánh Thanh tra hoạt động hiệu quả, thì cũng có địa phương hoạt động chưa tốt. Để khắc phục điều này, thì phải liên thông nghiệp vụ, kiểm tra viên học nghiệp vụ thanh tra và ngược lại, để linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

 
Hiện nay, Quảng Ngãi chỉ có 4/13 địa phương thực hiện nhất thể hóa chức danh Chủ nhiệm UBKT đồng thời là Chánh Thanh tra. Riêng huyện Tư Nghĩa thực hiện từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020 thì dừng thực hiện. Việc hợp nhất Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện là không phù hợp với Quy định 208 của Ban Bí thư (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị cấp huyện. Mô hình thí điểm thành lập Cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở huyện Bình Sơn và Lý Sơn thì vướng mắc về tính pháp lý nên không thể vận hành theo đề án đã phê duyệt...
 
Mặt khác, phương thức hoạt động, hệ thống văn bản giữa cơ quan Đảng và Nhà nước có những điểm khác nhau, khi hợp nhất vẫn phải sử dụng hai loại hình thể thức văn bản, hai con dấu. Cơ quan nhà nước thì sử dụng văn bản điện tử, chuyển văn bản trên môi trường mạng Internet, Office, trong khi cơ quan Đảng thì chưa thực hiện, dẫn đến việc điều hành công việc gặp khó khăn, lúng túng...
 
Cần có lộ trình, cơ chế cho đơn vị tự chủ
 
Câu chuyện tự chủ đối với các cơ sở y tế đang là gánh nặng của rất nhiều đơn vị, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm qua. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế rơi vào cảnh nợ lương, nợ các khoản hỗ trợ phẫu thuật, nợ tiền hỗ trợ độc hại...
 
Quảng Ngãi hiện có 722 đơn vị sự nghiệp (cấp tỉnh 113 và cấp huyện 609), nhưng đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư đối với cấp tỉnh chỉ có 39 đơn vị; 72 đơn vị đảm bảo một phần. Trong khi đó, cấp huyện đảm bảo chi thường xuyên mới có 18 đơn vị; đảm bảo chi một phần chỉ có 4 đơn vị và 100% ngân sách nhà nước là 567 đơn vị. Ngân sách tập trung vào đơn vị sự nghiệp rất lớn (chiếm khoảng 81% trong tổng ngân sách chi thường xuyên của tỉnh), nhưng hiệu quả thì chưa tương xứng.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Diệp - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đặng Thùy Trâm cho biết, bệnh viện là một trong những cơ sở khám, chữa bệnh lớn của tỉnh, nhưng khi thực hiện tự chủ 100% gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, hiện nay tỷ lệ lấp đầy giường bệnh của bệnh viện chưa đến 50%, dẫn đến nguồn thu không đủ để mua thuốc, vật tư y tế và trả lương cho cán bộ, nhân viên. Tình trạng này kéo dài thì tháng 11 và 12 đến, cán bộ, nhân viên sẽ không có lương và khó giữ chân được y, bác sĩ giỏi. Do đó, tỉnh và trung ương cần có giải pháp tháo gỡ cho ngành y tế, vì hiện có nhiều bác sĩ có đơn xin nghỉ việc.

 
Cũng do áp lực về tự chủ mà Giám đốc BVĐK Đặng Thùy Trâm đã 3 lần nộp đơn xin nghỉ việc. Hai lần đầu, Sở Y tế động viên ở lại, nhưng đến lần thứ ba thì cũng phải giải quyết theo nguyện vọng cá nhân.
 
Đối với các huyện miền núi, hải đảo thì đây thực sự là “gánh nặng”, vượt ngoài khả năng của đơn vị. Bác sĩ chuyên khoa I Châu Nguyễn Thương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây cho hay, người dân Sơn Tây đa phần là khám, chữa bệnh bằng BHYT, nhưng ngành bảo hiểm lấy mốc thanh toán năm 2018 để giao khoán kinh phí khám, chữa bệnh cho các năm sau là bất cập. Bên cạnh đó, việc bảo hiểm chậm thanh toán một số khoản tiền cũng khiến cho việc mua vật tư, thuốc gặp khó khăn. Như trong quý III/2021, trung tâm đề nghị thanh toán 1,2 tỷ đồng, nhưng bảo hiểm chỉ cho tạm ứng 30% thì làm sao đủ tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên và mua thuốc, vật tư y tế. Cán bộ, y, bác sĩ đi làm mà không có lương thì làm sao họ yên tâm công tác. “Huyện miền núi mà giao tự chủ 69% thì sẽ có khả năng đóng cửa trung tâm y tế huyện”, Bác sĩ Châu Nguyễn Thương lo lắng.  
 
Bác sĩ Dương Tiến Thuận - Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Lý Sơn cho biết thêm, khả năng đơn vị có 60%, nhưng giao đến 80% thì vượt quá tầm, dẫn đến đơn vị không còn khả năng chi trả lương cho cán bộ, nhân viên.
 
Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập là nhằm giúp các đơn vị khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản, nguồn lực để tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên, giảm chi thường xuyên cho ngân sách... Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự mang lại hiệu quả thì tỉnh và trung ương cần có lộ trình và cơ chế thuận lợi hơn, phù hợp với thực tiễn từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Có như vậy, việc sắp xếp và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập mới đạt mục tiêu đề ra. 
 
Qua 3 năm thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, Quảng Ngãi đã tinh giản 3.199 biên chế  (trong đó giảm 358 biên chế hành chính và 2.841 biên chế sự nghiệp), đạt tỷ lệ 10,4%, vượt kế hoạch đề ra. Giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 202 thôn, tổ dân phố. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm 164 đơn vị, đạt tỷ lệ 15,47% so với số lượng đơn vị năm 2015, kế hoạch đề ra là giảm 10%. Có 39 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, giảm chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp gần 128 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015.
 
Thanh Thuận - Bá Sơn
 
-------------------
*Kỳ cuối: Để bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
 
 
 
 
 
 
 
 
 

.