Danh dự đảng viên và thanh danh của đảng

12:09, 07/09/2021
.
 (Báo Quảng Ngãi)- Danh dự, uy tín của cán bộ, đảng viên không thể đo đếm hay mua bằng tiền, vàng hoặc vật chất. Danh dự cũng không bỗng dưng có được, mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện. Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 với yêu cầu “cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, phải giữ mình để không bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa; phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự. Bởi "danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
[links()]
 
Các đảng viên thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.                      Ảnh: TL
Các đảng viên thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Ảnh: TL
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nhắc nhở toàn thể bộ máy Chính phủ hãy nhìn lại những thành công cũng như tồn tại trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của mỗi đồng chí trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, chung tay thực hiện mục tiêu xây dựng thành công Chính phủ kiến tạo - liêm chính - hành động vì dân. Bởi đã là đảng viên, không ai có thể quên lời thề trong ngày mình được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng: “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, phục tùng kỷ luật và sự phân công của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...”. Trong vai trò công bộc của dân, lời thề đảng viên chính là lời thề với lương tâm, danh dự, phẩm chất, giá trị, uy tín và thanh danh của người cộng sản. Giữ được lời thề và hành động đúng với lời thề, chính là để giữ đạo đức, danh dự đảng viên, giữ được thanh danh cho Đảng.
 
Nhìn lại cả nhiệm kỳ XII và ngay sau Đại hội XIII của Đảng, trong quá trình hoàn thiện bộ máy lãnh đạo đất nước cho nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nêu cao yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải có tư cách, đạo đức, trọng danh dự. Bởi công bộc của một quốc gia liêm chính phải là những người có đức - có tài - phải công chính vô tư.
 
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong tháng 5 vừa qua, một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ và giữ danh dự của người đảng viên. Bởi: "Nếu không liêm thì thấy thứ gì cũng dám lấy. Không sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn mà làm thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất. Không có tài, không có đức mà dám cầm trọng trách thì chỉ làm cho cơ đồ tan hoang, đổ vỡ. Cán bộ ở cấp lãnh đạo mà không làm cho đạo đức được thi hành, quốc pháp được tuân thủ; sống xảo trá, quỷ quyệt, ăn cắp quốc khố là vô hình trung đã vứt bỏ danh dự, liêm sỉ, tức là làm việc đáng hổ thẹn rồi”, Tổng Bí thư đã nói như trải lòng như vậy.
 
Là thế hệ lãnh đạo kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiểu rõ việc kế thừa, phát huy và nhân lên giá trị di sản tư tưởng, đường lối, phương pháp lãnh đạo của Người có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với sự tồn vong của Đảng và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Vì thế, nhiều năm qua, người đứng đầu Đảng ta luôn đau đáu việc tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Nhất là trong bối cảnh nhiệm kỳ vừa qua, hơn 100 cán bộ lãnh đạo cấp cao trong Đảng và các bộ ngành, địa phương vì suy thoái đạo đức, xa rời mục tiêu, lý tưởng, tham nhũng, lạm quyền, gây tai họa cho đất nước, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, lòng tin của nhân dân, nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng đến mức phải nhận kỷ luật Đảng và bị pháp luật trừng trị. 
 
Xưa, người làm Vua được gọi là Thiên tử. Nhưng Thiên tử chả là gì nếu không có muôn dân bách tính đồng lòng. Đất nước thanh bình thịnh trị nhờ ở Vua sáng Tôi hiền, hết lòng yêu thương muôn dân, biết “lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”.
 
Nay cũng vậy. Ai yêu nhân dân thì được dân yêu, dân tin, dân theo và ngược lại. Cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao của đất nước phải thực sự là “người đày tớ trung thành của nhân dân”, không chỉ có tài kinh bang tế thế, mà phải có phẩm chất đạo đức, biết liêm sỉ. Bởi cán bộ “liêm” thì sẽ không tham nhũng; biết “sỉ” sẽ không làm càn, làm bậy vì hổ thẹn. Biết hổ thẹn thì sẽ không tham lam vật chất, gặp khó khăn không bị khuất phục. Người cán bộ biết liêm sỉ là người luôn biết tự soi mình, biết chiến thắng bản thân, dám đối mặt với sai lầm khuyết điểm để sửa chữa; mới biết khiêm tốn mà thoái nhường; chọn lấy hay bỏ đi cái gì, lúc nào cũng luôn vì ích nước lợi dân.  
 
Giữ gìn danh dự đảng viên là bảo vệ thanh danh cho Đảng. Hãy là một cán bộ lãnh đạo có “liêm”, có “sỉ” để biết mình phải làm gì, hy sinh gì cho nước cho dân, để Đảng ta ngày một trong sạch, vững mạnh, thực sự là Đảng của đạo đức, văn minh; để chúng ta có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong sáng về đạo đức, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân; có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược để cùng toàn dân đưa đất nước vượt qua khó khăn, sớm thực hiện mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường.
 
 Nguyễn Vân Thiêng
 
 

.