Vai trò của thôn, tổ dân phố: Cần có cách nhìn mới (kỳ 1)

04:08, 14/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong hệ thống chính trị ở nước ta từ trước đến nay, thôn, tổ dân phố (TDP) luôn giữ vai trò khá quan trọng, là cánh tay nối dài giữa chính quyền cơ sở với nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có cách tiếp cận mới, từ đó đưa ra những chủ trương, giải pháp đểlãnh đạo, điều hành hoạt động của thôn, TDP có hiệu quả hơn trong giai đoạn mới.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Thực trạng hoạt động của các thôn, tổ dân phố

Trong những năm qua, bên cạnh những thôn, TDP phát huy tốt vai trò trong hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, thì trên địa bàn tỉnh cũng còn không ít thôn, TDP hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có 1.156 thôn, TDP (935 thôn, 221 tổ dân phố). Đây được xem là “hệ thống chính trị” thu nhỏ trong cộng đồng dân cư, vì các thôn, TDP đều có chi bộ, ban thôn, Mặt trận và các hội, đoàn thể...
 
Khi sức mạnh tổng hợp được phát huy

Sau 5 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại thôn Kỳ Thọ Nam 2, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) và rất vui trước những đổi thay của vùng quê này. Trước đây, thôn Kỳ Thọ Nam 2 sở hữu đến “3 cái nhất”, gồm đường giao thông nông thôn (GTNT) nhỏ nhất; tỷ lệ bê tông đường GTNT, thủy lợi ít nhất; đời sống người dân khó khăn nhất. Còn giờ đây, con đường dẫn về thôn đã được bê tông thẳng tắp, nối liền các xóm; dọc hai bên đường người dân xây nhà cửa khang trang, đêm xuống điện thắp sáng rực rỡ. Ngoài đồng ruộng, kênh mương, đường nội đồng cũng được kiên cố...
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) Hồ Việt Bắc (đầu tiên, bên trái) luôn gặp gỡ thanh niên trong thôn để nắm bắt tình hình.                           Ảnh: T.Thuận
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Tà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) Hồ Việt Bắc (đầu tiên, bên trái) luôn gặp gỡ thanh niên trong thôn để nắm bắt tình hình. Ảnh: T.Thuận
Chia sẻ về những thành công trên, Bí thư Chi bộ thôn Kỳ Thọ Nam 2 Võ Tấn Thanh phấn khởi nói: “Chúng tôi đã khơi dậy được sức mạnh tổng hợp trong cộng đồng dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò nêu gương của đảng viên”. Với cách làm đó, đến nay thôn Kỳ Thọ Nam 2 đã xây dựng được 7 tuyến GTNT và nội đồng, trong đó người dân đóng góp trên 1 tỷ đồng, hiến trên 5.000m2 đất vườn, đất sản xuất và hàng nghìn ngày công, góp phần đưa xã Hành Đức về đích nông thôn mới.

Với đồng bào Hrê ở thôn Làng Xi 2, xã Ba Tô (Ba Tơ), dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi được cán bộ thôn vận động và phân tích sự cần thiết phải có nhà sinh hoạt thôn thì 170 hộ dân đều đóng góp 100.000 đồng/hộ và tham gia 200 ngày công để làm nhà sinh hoạt thôn theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào Hrê. Ông Phạm Văn On bộc bạch: Cán bộ thôn ở đây rất nhiệt tình. Cái gì đồng bào chưa biết đều được cán bộ hướng dẫn cụ thể. Cuộc sống đồng bào H’rê có được như ngày hôm nay cũng là nhờ cán bộ thôn đấy!

Điều đó cho thấy, khi “ý Đảng hợp với lòng dân” và quyền lợi của người dân được tôn trọng, bảo vệ, thì trong hoàn cảnh nào người dân cũng đồng hành cùng chính quyền. “Chi bộ thôn Làng Xi 2 đã làm tốt công tác lãnh đạo và công tác dân vận, nên cán bộ, đảng viên và người dân trong thôn đều đồng thuận, luôn phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo và chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”, Bí thư Đảng ủy xã Ba Tô Thành Minh Thuận cho biết.

Đối với những địa bàn có tình hình phức tạp, thường xuyên xảy ra khiếu nại, tranh chấp đất đai, thì việc chính quyền “dùng mệnh lệnh hành chính” để điều hành các hoạt động trong cộng đồng dân cư là không khả thi. Lúc này, cán bộ, đảng viên phải trực tiếp xuống cơ sở lắng nghe dân, thì mới nắm được dân. Phương châm này đã được cán bộ thôn An Phước, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) vận dụng có hiệu quả. Đó là, sau khi xảy ra tranh chấp đất rừng gay gắt, do một số hộ thiếu đất sản xuất, thay vì hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa, hoặc chuyển lên cấp trên giải quyết, thì cán bộ thôn An Phước đã vận động ông Trần Văn Trữ là người có nhiều đất rừng tự nguyện giao lại 1,5ha đất cho xã để chia cho gia đình bà Phan Thị Tiên 0,5ha và gia đình ông Lê Văn Thiên, bà Ngô Thị Tường Vy 1ha. Qua đó đã xoa dịu sự căng thẳng giữa một số hộ dân trong thôn và bà Phan Thị Tiên cũng không còn theo nhóm đông người đến UBND huyện và tỉnh để khiếu nại.

“Với những vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, nếu cán bộ thôn không am hiểu pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và tích cực làm công tác dân vận, thì khó có thể giải quyết thành công vụ việc”.

Bí thư Chi bộ thôn An Phước, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành)
MAI THỊ THANH THÚY

Nhiều thôn, tổ dân phố hoạt động chưa hiệu quả

Bên cạnh những thôn, TDP phát huy tốt vai trò, trong hệ thống chính trị ở cơ sở, thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít thôn, TDP hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân, do năng lực một bộ phận cán bộ thôn có hạn, nên không theo kịp sự phát triển của địa phương. Cá biệt, có trường hợp sa sút ý chí phấn đấu, lo vun vén cá nhân, sử dụng tiền vận động được không đúng mục đích, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Vụ việc xảy ra tại TDP 15, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) là minh chứng cho điều đó. Năm 2018, ông Nguyễn Minh Thoại, tổ trưởng TDP 15 vận động nhân dân đóng góp xây dựng 5 loại quỹ trên địa bàn được gần 10 triệu đồng, nhưng không nộp ngay cho UBND phường, mà “giữ” đến gần cuối năm mới nộp, khiến người dân bức xúc. Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận TDP 15 Trịnh Minh Thanh cho rằng: “Thiếu sót này là do chi ủy buông lỏng vai trò lãnh đạo, chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát”

Sự thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên cũng là nguyên nhân dẫn đến các thôn, TDP hoạt động kém hiệu quả. Tại các thôn Trà Nô, Làng Mạ, xã Ba Tô (Ba Tơ), sau khi 12 đảng viên (1 cấp ủy viên) lấn chiếm đất lâm nghiệp của Công ty Lâm nghiệp Ba Tô đã kéo theo gần 100 hộ dân khác cũng tham gia. Bí thư Chi bộ thôn Trà Nô Phạm Văn Điềm cho biết: “Vụ việc đó khiến chi bộ và 7 đảng viên trên bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách. Sau đó, chi bộ đã họp và vận động người dân trả lại đất và ký hợp đồng tham gia trồng rừng cùng công ty, góp phần ổn định tình hình tại địa phương”.

Với ông Đinh Văn Hoách, lẽ ra với vai trò là Bí thư Chi bộ TDP Nước Nia, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), ông Hoách phải gương mẫu chấp hành chủ trương của địa phương, đằng này, khi huyện Sơn Hà có quyết định thu hồi 3.020m2 đất của gia đình ông để thực hiện Khu tái định canh, định cư Đồi Gu thì ông Hoách lại chống đối. Không những thế, ông Hoách còn buông lỏng vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với những hoạt động của TDP, dẫn đến không hoàn thành một số nhiệm vụ, chỉ tiêu mà thị trấn Di Lăng giao.


“Vi phạm của ông Đinh Văn Hoách đã bị Đảng ủy thị trấn Di Lăng thi hành kỷ luật với hình thức cách chức Bí thư chi bộ.  Qua vụ việc này, đảng ủy thị trấn đã tăng cường công tác lãnh đạo đối với những hoạt động của TDP, đặt biệt là người đứng đầu chi ủy, TDP, trưởng Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể...”, Bí thư Đảng ủy thị trấn Di Lăng Đinh Quốc Bình cho biết.

Nhân tố quan trọng trong hệ thống chính trị

Hoạt động của thôn, TDP là hình thức phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị ở cơ sở; đồng thời là nhân tố quan trọng đảm bảo xây dựng tổ chức đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh. Để phát huy nhân tố đó trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng phải đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của các thôn, TDP.


P. ĐỨC - T.THUẬN -
B.SƠN - L.ĐỨC
-------------------------------
Kỳ 2:  Sáp nhập thôn, tổ dân phố là cần thiết, nhưng phải linh hoạt




 

.