Bác còn sống mãi với non sông

06:02, 09/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Di chúc của Bác Hồ để lại là kho báu muôn đời của dân tộc Việt Nam. Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, lời dặn dò yêu thương, trách nhiệm của Người vẫn còn vang vọng, thôi thúc cả dân tộc không ngừng nỗ lực vươn lên xây dựng đất nước hùng cường.

TIN LIÊN QUAN

Những câu chuyện đời thường của Người qua câu chuyện kể của người cận vệ sớm hôm bên Bác đã được truyền lại một cách sinh động nhất.

Người cận vệ "em út"

Ngoài 70 tuổi, ông Nguyễn Văn Đoàn (cán bộ hưu trí ở số nhà 28, ngõ 444, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP.Hà Nội), vẫn giữ thói quen "đi nhẹ, nói khẽ, thao tác nhanh nhẹn, làm việc gì cũng chu đáo". Ông Đoàn, một trong số ít những cận vệ thân tín bên Bác Hồ, kể rằng: Năm 1965, khi ấy mới 18 tuổi, tôi từ quê Ninh Bình ra nhập học tại Học viện An ninh nhân dân. Mới chân ướt chân ráo vào trường thì được tuyển chọn sang Phủ Chủ tịch làm cận vệ cho Bác Hồ. Về Phủ Chủ tịch muộn và tuổi đời còn trẻ, nên được các chú, các anh xếp vào diện em út.

  Những lúc rảnh rỗi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đoàn và bà Nguyễn Thị Tình thường cùng nhau xem lại cuốn nhật ký ghi chép những ngày phục vụ bên Bác Hồ (1965 - 1969).                                                                                                                                Ảnh: T.Nhị
Những lúc rảnh rỗi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đoàn và bà Nguyễn Thị Tình thường cùng nhau xem lại cuốn nhật ký ghi chép những ngày phục vụ bên Bác Hồ (1965 - 1969). Ảnh: T.Nhị


Suốt những năm từ 1965 đến khi Bác Hồ mất, ông Đoàn sớm hôm cận kề, cùng các anh em cận vệ khác chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho Người. Nhớ lại những ngày vinh dự, tự hào được phục vụ Bác, ông Đoàn bảo rằng: "Chuyện thường ngày bên Bác nhiều lắm, từng cử chỉ, lời dặn dò của Bác vô cùng quý giá".

Người cận vệ nhớ lại: Bác có thói quen sáng nào cũng đi bộ. Một sáng, khi đi vòng quanh hồ cá, hàng rào râm bụt, có nhiều con ốc sên bò ra đường, Bác Hồ bèn gạt nhẹ vào lề đường. Bác bảo các chú không được lấy chân đạp ốc sên chết ngay trên lối đi, người khác qua lại không để ý sẽ dẫm phải...

Người cận vệ "em út" thật sự xúc động khi tôi hỏi về những tình cảm trong gần 5 năm sống bên Bác Hồ. "Thiêng liêng lắm. Anh em làm việc miệt mài với tâm niệm mình là con cháu, là người thân của Bác. Bác đi công tác, ở nhà mong như con mong cha và khấp khởi chờ quà. Dù quà chỉ là cái kẹo, quả nho, trái ổi cũng bồi hồi xúc động lắm", ông Đoàn trải lòng.

Ông Nguyễn Văn Đoàn là người cận vệ được cùng tháp tùng Bác Hồ trong nhiều chuyến công tác. Ông nhớ lại: Tháng 4.1969, Bác đi bầu cử, tôi theo đoàn tháp tùng đưa Bác đi. Bác bầu cử xong lặng lẽ, ngồi xem không khí bầu cử, không ồn ào xe pháo, nơi Bác đến cũng không khẩu hiệu chào mừng. Bác là người luôn muốn làm việc gì cũng nhẹ nhàng, tận tâm, trách nhiệm, không phô trương.

Ông Đoàn cũng là người có mặt trong đoàn tháp tùng Bác đi thăm một cán bộ học tập ở nước ngoài về, đó chính là chuyến công tác cuối cùng của Người. "Sáng 12.8.1969, khi biết có người cán bộ cấp cao đi học từ Paris (Pháp) về, Bác bảo phải đích thân đến thăm, động viên. Đường từ Phủ Chủ tịch ra Hồ Tây mưa tầm tã. Sau lần đi ấy, Bác về và yếu hẳn", ông Đoàn nhớ lại.

Lời Bác vọng mãi...

Sau khi Bác mất, Trung ương bắt đầu tuyển chọn cán bộ để đào tạo phục vụ việc xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cô gái nhỏ nhắn 18 tuổi Nguyễn Thị Tình, quê ở Minh Nông, Việt Trì (Phú Thọ) khi ấy đang là học viên của Học viện An ninh nhân dân được tuyển chọn. Đây cũng là người phụ nữ sau này trở thành người bạn đời của ông Nguyễn Văn Đoàn.

Về sau, bà Nguyễn Thị Tình trở thành Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Một mối lương duyên mà khó có đôi vợ chồng nào có được. Ông Nguyễn Văn Đoàn tận tụy phục vụ khi Bác còn sống, còn vợ ông lại một đời góp sức gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Khi được hỏi, vợ chồng ông bà quen biết rộng và sau này lại có chức (ông Đoàn là Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, còn bà Nguyễn Thị Tình là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) có đưa con cái vào phục vụ trong ngành hay không?

Ông Đoàn cười nói: "Con cái không vào cùng ngành đâu, vì mình là thủ trưởng, phải gương mẫu nhường chỗ cho những người khác. Cứ ỷ mình có quyền, nhận con cái vào, thì anh em khác họ còn đâu cơ hội, thiệt thòi. Con cái tôi cũng được giáo dục sống là phải biết sẻ chia, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người. Đó cũng là đức tính của Bác Hồ đã thấm vào máu thịt của tôi. Với chúng tôi, giờ đây tuy Bác đã đi xa, nhưng trong cuộc đời, trên từng trang sách nhỏ, trong những câu chuyện kể, Bác vẫn trở về với muôn vạn tình thương".


THANH NHỊ


.