Xây dựng xã hội học tập

10:10, 02/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13.4.2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài.

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khơi dậy, động viên nhân dân tham gia học tập, xây dựng xã hội học tập. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập (GĐHT), dòng họ học tập (DHHT), cộng đồng học tập (CĐHT), đơn vị hiếu học (ĐVHH)....  trên địa bàn tỉnh được duy trì, phát triển sâu rộng góp phần nâng cao dân trí, hạn chế tình trạng bỏ học...

 

Cán bộ phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) học cách sử dụng máy vi tính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công tác.
Cán bộ phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) học cách sử dụng máy vi tính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công tác.


Hưởng ứng phong trào xã hội học tập, hơn 5 năm qua, Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) đã mở được nhiều lớp tình thương cho trẻ em nghèo có nguy cơ bỏ học. Thông qua lớp học, đội ngũ giáo viên ở trung tâm đã gần gũi với phụ huynh, động viên chia sẻ để cùng với nhà trường, xã hội giáo dục con em có ý thức trong học tập. Đến nay, lớp học tình thương đã mở rộng, thu hút học sinh nghèo trong toàn phường đến học tập...
 

Các chủ đề, nội dung tuyên truyền trong Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời năm 2018, do Bộ GD&ĐT phát động gồm: Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân; trong cách học phải lấy tự học làm nòng cốt; trường học vĩ đại nhất chính là sách vở; “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”...

Phó Giám đốc TTHTCĐ phường Trần Phú Võ Thị Xuân cho biết: “Trung bình mỗi năm trung tâm dạy miễn phí cho khoảng 50 – 60 học sinh nghèo không có điều kiện để đi học thêm. Nhờ vậy, chất lượng học tập của học sinh trong phường ngày càng nâng lên. Từ khi triển khai phong trào xã hội học tập, cán bộ ở phường tích cực hưởng ứng, nhiều cán bộ lớn tuổi đã tham gia học cách sử dụng máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc của cơ quan, đơn vị...”.

Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Quảng Ngãi Lâm Chuyển cho biết: "Ở thành phố hiện có nhiều TTHTCĐ, nhưng hoạt động hiệu quả nhất là ở phường Trần Phú. Đảng ủy, chính quyền phường quan tâm đầu tư máy tính, máy chiếu, mở các lớp tập huấn; trung tâm cũng đã mở được lớp học tình thương từ lớp 1 đến lớp 9, nhằm giúp học sinh nghèo có điều kiện củng cố kiến thức. Hoạt động này có tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức cho người dân, giáo viên, cán bộ hưu trí trên địa bàn phường về phong trào xây dựng xã hội học tập".

Trong những năm qua, các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả phong trào xây dựng xã hội học tập. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.600 chi hội, ban khuyến học cơ sở tại các thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp... với gần 212 nghìn hội viên, đạt 16,8% dân số trong tỉnh. Toàn tỉnh có 159/184 TTHTCĐ; hơn 87.900 GĐHT, 448 DHHT và 542 khu dân cư khuyến học.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phạm Thanh Hải cho biết: Trong thời gian đến, Hội khuyến học tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện nhân rộng các mô hình: “GĐHT, DHHT, CĐHT, ĐVHT”; phấn đấu đến cuối năm 2020 toàn tỉnh đạt 70%  GĐHT, 50% DHHT, 60% CĐHT (cấp thôn), 40% CĐHT (cấp xã) và 50% ĐVHT (các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp).


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 


.