Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII):
Quyết liệt hành động (kỳ cuối)

07:10, 31/10/2018
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ cuối: Đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập

(Baoquangngai.vn)- Cùng với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở các cơ quan hành chính, các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, với mục tiêu đảm bảo tinh gọn, bớt đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm gánh nặng chi phí ngân sách nhà nước.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương và ngành giáo dục hiện nay là rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm đầu mối, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường học gắn với đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục

Trường Tiểu học Thanh An (Minh Long)  được đầu tư xây dựng dãy phòng học kiên cố, quy mô 8 phòng với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Năm học này, trường có trên 300 học sinh. 100% học sinh ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê. Thầy Thới Thượng Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh An cho biết: Trong năm học này tập trung hết các em điểm lẻ về điểm trường chính để các em học tập thuận tiện hơn. Khi xây dựng hoàn thành vào tháng 11 tới, trường sẽ xóa 4 phòng học tranh tre, đảm bảo số phòng học kiên cố theo quy định để dồn dịch học sinh ở các điểm lẻ về điểm trường chính.

Nhiều trường học Tiểu học và THCS trong tỉnh đã được sáp nhập để tinh gọn bộ máy
Nhiều trường học Tiểu học và THCS trong tỉnh đã được sáp nhập để tinh gọn bộ máy


Quảng Ngãi hiện có hơn 600 trường học từ bậc mầm non đến phổ thông. Thực hiện Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), hiện nay, các địa phương đang thực hiện sáp nhập các cơ sở giáo dục. Huyện Nghĩa Hành đã tiên phong trong việc sáp nhập 6 trường tiểu học quy mô nhỏ thành 3 trường và sang năm 2019 sẽ sáp nhập 4 trường tiểu học còn lại, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Việc sáp nhập các điểm trường không ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy và học, tạo thuận lợi cho người dân và đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh. Thầy Trần Tấn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hành Nhân cho biết: Trước đây, trường có 2 điểm lẻ, một lớp 1 và một lớp 2. Mỗi lớp có 10 – 12 em, các em chỉ học Tiếng Việt và Toán. Khi sáp nhập, các em được học đầy đủ các bộ môn, âm nhạc, thể dục và tin học. Học sinh và phụ huynh rất phấn khởi khi trường thực hiện sáp nhập.

Theo lộ trình đến năm 2021, Quảng Ngãi sẽ giảm tối thiểu 10% cơ sở giáo dục, tức khoảng 62 cơ sở giáo dục so với năm 2018. Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ngãi đang rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường lớp học. Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết: Việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp nhằm khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao.

Sau khi rà soát, ngành GD&ĐT và các địa phương sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho các điểm trường trung tâm để mọi học sinh đều được thụ hưởng điều kiện giáo dục như nhau, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Giai đoạn 2015-2018, Quảng Ngãi đã tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ là 1.465 người. Trong đó, khối hành chính 113 người (đạt tỷ lệ 4,9% so với biên chế giao năm 2015); khối sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước 1.213 người (đạt 4,8% so với biên chế giao năm 2015); khối sự nghiệp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước 21 người; cán bộ, công chức cấp xã là 110 người và hợp đồng lao động theo Nghị định 68 là 8 người. Với mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015, Quảng Ngãi sẽ giảm 5,27% tương ứng giảm 129 biên chế hành chính (mỗi năm giảm thêm 1,70% tương ứng giảm 43 biên chế/năm); đồng thời giảm 7,6% với khoảng 1.843 biên chế sự nghiệp (mỗi năm giảm thêm 1,9% tương ứng 461 biên chế/năm).


Tăng tính tự chủ

Theo số liệu năm 2017, toàn tỉnh có trên 330 đơn vị công lập, trong đó có trên 280 đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảo bảo chi thường xuyên và hơn 40 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Với mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao hiệu quả hoạt động hướng tới mục tiêu chất lượng, công bằng và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công phù hợp với lộ trình cải cách hành chính nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương, trước khi Nghị quyết số 19 của Trung ương ban hành, Quảng Ngãi đã chủ động ban hành Quyết định số 449 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025.

Sau 1 năm thực hiện, toàn tỉnh đã giảm được 15 đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo lộ trình theo đề án đã phê duyệt, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định (trong đó đơn vị sự nghiệp dạy nghề giảm 3 đơn vị; sự nghiệp y tế giảm 6 đơn vị; sự nghiệp văn hóa giảm 2 đơn vị; sự nghiệp khác giảm 4 đơn vị).

Riêng việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp y tế đã có gần 50 trường hợp chuyển đổi vị trí công tác và cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với gần 10 trường hợp; đồng thời chuyển 11 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; chuyển 3 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (tự chủ 100% chi thường xuyên); có 5 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư để chuyển sang loại hình công ty cổ phần theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cũng được UBND tỉnh sắp xếp, tổ chức lại tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với Nghị định 59 của Chính phủ và điều kiện thực tiễn của địa phương. Cụ thể từ 15 Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc các sở, ban, ngành (chưa tính 14 BQL dự án đầu tư xây dựng thuộc 14 huyện, thành phố) sắp xếp còn 3 BQL dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc UBND tỉnh và 1 BQL dự án đầu tư xây dựng Dung Quất thuộc BQL Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh, giảm 11 BQL.

 

Sáp nhập các đơn vị y tế hoạt động kém hiệu quả để tập trung nguồn lực, thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Sáp nhập các đơn vị y tế hoạt động kém hiệu quả để tập trung nguồn lực, thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân


Hiện nay, ngành y tế đang tiến hành thực hiện Đề án sáp nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh, Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi và Bệnh viện Đa khoa Dung Quất vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Đề án sáp nhập Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và Trung tâm Truyền thông sức khỏe tỉnh vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Đề án sáp nhập Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình 14 huyện, thành phố vào Trung tâm Y tế của 14 huyện, thành phố.

Ngành GD&ĐT  đang  thực hiện Đề án điều chỉnh quy mô lớp học, số học sinh/lớp hợp lý bậc Trung học phổ thông; Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Các địa phương như Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Đức Phổ… cũng tiến hành thực hiện các Đề án chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao; Đề án sáp nhập, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, học sinh đối với giáo dục tiểu học và giáo dục trung học trên địa bàn các huyện, thành phố; Đề án và thành lập Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao trên cơ sở tổ chức lại Đài Truyền thanh huyện và chuyển bộ phận sự nghiệp văn hoá, thể thao tại Phòng Văn hóa - Thông tin.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng rà soát, sắp xếp từ năm 2019 trở về sau, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai rà soát, bước đầu chuẩn bị và đang xây dựng đề án sắp xếp tổ chức theo lộ trình được phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cho biết: Đến nay các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tiến hành và hoàn thiện đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện hoàn thành đề án để tỉnh phê duyệt trong tháng 11.2018. Theo kế hoạch đến tháng 1.2019 có tổ chức mới hoạt động theo đúng tiến độ của tỉnh đề ra đối với việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Đơn vị nào chậm trễ xây dựng đề án thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy.  

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 đã xác định chủ đề của năm 2018 là "Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; huy động nguồn lực xã hội; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”. Trong đó, trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 18,19 của Hội nghị Trung ương 6 với mục tiêu từ nay đến năm 2021, tinh giảm 10% biên chế được giao.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cần rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chế, quy định, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ. Khuyến  khích và phát huy sự năng động, sáng tạo của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương trong việc rà soát, xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, các địa phương thể hiện bằng những việc làm cụ thể, hy vọng rằng đây sẽ thực sự là “cuộc cách mạng” lớn về tổ chức bộ máy và biên chế với mục tiêu chung là tinh gọn, hiệu quả mà Tỉnh ủy đề ra.


 Bài, ảnh: THANH THUẬN

 


.