Chuyện về tàu 43B ở biển Quy Thiện

11:10, 27/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong sứ mệnh của mình, những con tàu “không số” trên biển đã góp phần đưa đạn dược, vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam để tiếp viện chiến đấu và không tránh khỏi những hy sinh, mất mát. Câu chuyện con tàu số hiệu 43B cùng 3 thuỷ thủ đoàn hy sinh tại bờ biển Quy Thiện đêm 1.3.1968 đến nay vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người dân nơi đây.
 

Ông Phạm Ngọc Giàu
Ông Phạm Ngọc Giàu

Ông Phạm Ngọc Giàu (67 tuổi), ở xóm 32, thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) tham gia du kích địa phương trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ngôi nhà ông đang ở cách vị trí tàu 43B nổ tung vào năm 1968 chừng 200m đường chim bay. Ông là người trực tiếp nghe tiếng nổ của tàu 43B lúc tàu bị hủy và trực tiếp tham gia tìm kiếm những thủy thủ đoàn rời tàu vào bờ.

Ông Giàu kể rằng, đêm 1.3.1968, khi nghe những tiếng nổ lớn phía ngoài biển, cùng máy bay, pháo sáng rực trời, ông cùng mẹ vào hầm ẩn náu. Ông nghĩ, chắc do quân địch đánh nhầm nhau ngoài biển, vì khu vực bờ biển ở đây không thể có tàu của ta xuất hiện. Đến khuya, một tiếng nổ rền vang, rung chuyển cả khu vực. Tiếp đến là những tiếng “lụp bụp” rơi vãi khắp nơi.

Ngay trong đêm đó, lực lượng du kích đã bí mật tìm gom những mảnh tàu, thùng đạn văng vãi khắp nơi. Khi phát hiện có thùng đạn súng AK47, du kích mới biết đó là vũ khí của mình. Ngay trong đêm, lực lượng du kích địa phương đã bí mật tìm kiếm những thủy thủ còn sống để đưa về nơi an toàn. Ông cũng là người trực tiếp tham gia tải thương những thủy thủ đoàn bơi vào bờ đưa về địa điểm bí mật để cấp cứu, nuôi giấu.

Cách đây 57 năm, ngày 23.10.1961, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759 (sau là Đoàn 125), đơn vị tiền thân của lực lượng vận tải quân sự trên biển. Từ đây, “Đoàn tàu không số” thực hiện nhiệm vụ bí mật trên biển, chở hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.


Sau khi tàu bị hủy, sáng hôm sau quân Mỹ đưa xe tăng từ căn cứ hậu cần ngoài xã Phổ Vinh vào để truy tìm dấu vết. Chúng đổ quân khắp nơi để thu gom những vật liệu từ chiếc tàu 43B. Sau đó, chúng tập trung lại rồi dùng mìn phá huỷ và đưa xe tăng vào làng để truy lùng những người có thể còn sống sót. Tuy nhiên, lực lượng của ta đã kịp thời đưa những thủy thủ đoàn còn sống về nơi an toàn.

Những ngày sau đó, ông Giàu cùng nhiều người dân đã đưa các chiến sĩ của tàu 43B lên khu vực Trạm Bác 10, nơi có bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm để chữa thương. Tất cả 14 người rời tàu vào bờ đều sống, sau đó băng rừng Trường Sơn về lại đơn vị và tiếp tục làm nhiệm vụ do tổ chức phân công.

 

Con tàu 43B huyền thoại trước khi nằm lại bờ biển Quy Thiện, xã Phổ Khánh (Đức Phổ). ảnh: Tư liệu
Con tàu 43B huyền thoại trước khi nằm lại bờ biển Quy Thiện, xã Phổ Khánh (Đức Phổ). ảnh: Tư liệu


Câu chuyện mà ông Giàu kể về con tàu huyền thoại 43B tại bãi biển quê ông, là con tàu được tổ chức giao làm nhiệm vụ chuyển vũ khí bí mật chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 tại chiến trường Quảng Ngãi. Khi ấy, Bộ Tư lệnh Quân chủng hải quân chỉ đạo Đoàn 125 chọn 4 đơn vị tàu tham gia chiến dịch.

Tàu 43B có nhiệm vụ vận chuyển 37 tấn vũ khí vào bến Phổ An (Đức Phổ). Khi đang trên đường vận chuyển vũ khí vào bến Phổ An, tàu bị địch phát hiện vây đuổi. Tàu 43B buộc phải chạy về phía nam, nhằm dãy núi cao để lao tàu vào bờ. Sau nhiều giờ chống trả quyết liệt với địch, tàu bị hư hỏng, nhiều thủy thủ bị thương nặng. Đến 0 giờ 50 phút ngày 1.3.1968, để không lộ nhiệm vụ bí mật, chỉ huy quyết định hủy tàu. Để hạn chế thương vong, chỉ huy lệnh cho 14 thủy thủ bơi vào bờ, hy vọng được người dân địa phương che chở để có cơ hội trở về tiếp tục làm nhiệm vụ. Còn 3 người ở lại hy sinh anh dũng cùng con tàu huyền thoại. Tàu 43B đã nằm lại nơi bờ biển Quy Thiện với sứ mệnh cao cả của mình.

Theo ông Giàu, hiện một phần của tàu 43B vẫn còn nằm dưới biển. Vào mùa nước trong có thể nhận diện một phần xác con tàu dưới mặt nước sát bờ. Khu vực tàu 43B nằm lại ở bờ biển Quy Thiện đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2016.


Bài, ảnh: XUÂN THIÊN



 


.