Đừng để thông tin sai lệch, xấu độc cuốn theo

10:08, 07/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây vài năm, giới truyền thông cũng như người dùng internet, nhất là dùng mạng xã hội ở nước ta chưa có nhiều khái niệm về tin giả (fake new). Thật ra, tin giả xuất hiện khá lâu nhưng ít người để ý tới.

Tin giả ban đầu chỉ là giới thiệu một số địa chỉ chữa trị bệnh nan y, hay một số thực phẩm chức năng trị "bá bệnh". Dần dần trên các trang mạng xã hội như facebook, google xuất hiện những câu chuyện thương tâm, ly kỳ, những chuyện rất khó tin, kích thích sự tò mò của công chúng. Sau một thời gian, một số người dùng mạng xã hội bị nhồi nhét những thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội bịa đặt, xuyên tạc lúc nào không hay biết.

Do thiếu kiến thức, hiểu biết về chính trị, không am hiểu thực tiễn cuộc sống, không ít người bị cuốn theo các luồng thông tin như trên và vô tình rơi vào bẫy của các thế lực cơ hội, thù địch. Có nhiều trường hợp do bị dẫn dắt bởi luồng thông tin giả, bịa đặt đã có những hành động không đúng, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm nay, theo yêu cầu của Nhà nước Việt Nam, 2 trang mạng xã hội có tầm ảnh hưởng lớn trên thế́ giới là google và facebook đã gỡ bỏ gần 8.000 video clip, đường link có nội dung xấu, chống phá Đảng và Nhà nước ta; trong đó có 4 kênh trên youtube đưa các video clip có nội dung không đúng sự thật.

Tác hại của các luồng thông tin xấu độc là vô cùng to lớn, dẫn đến nhiều hệ lụy. Thời gian gần đây, không ít người thông qua không gian mạng, nhất là facebook đã bị kẻ xấu lợi dụng xúi giục tham gia vào các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản nhà nước đã bị cơ quan chức năng một số tỉnh, thành trong nước truy tố và đưa ra xét xử.

Theo số liệu của Hội Internet Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 48 triệu người dùng facebook, trong đó hơn 30 triệu người online mỗi ngày. Chỉ riêng về dùng mạng facebook Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới. Điều này cho thấy, nhu cầu tìm kiếm thông tin, chia sẻ, liên kết của người Việt Nam là rất cao, nhưng phía sau điều đó là những ẩn họa rất khó lường.

Những diễn biến phức tạp xuất phát từ các luồng thông tin bịa đặt, xấu độc trên mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong giới trẻ. Để không bị cuốn theo những thông tin sai lệch, bịa đặt, xấu độc, mọi người cần cảnh giác và tự trang bị cho mình “bộ lọc” để phân biệt đâu là tin thật, tin giả, không để bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục, kích động. Các cấp, ngành, hội đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên cần có phương pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức xã hội và chính trị cho giới trẻ, giúp họ đủ khả năng nhận diện, phân định đâu là thật, đâu là giả khi sử dụng mạng xã hội. Các tổ chức đoàn, hội cũng cần khuyến cáo và chỉ ra cho thanh niên địa chỉ những trang web, mạng xã hội chứa thông tin độc hại, sai trái để phòng ngừa.

Để những thông tin xấu độc, giả mạo không lấn át, chi phối thông tin tích cực, các cơ quan chức năng cần siết chặt kỷ luật thông tin, ngăn chặn hữu hiệu các luồng thông tin xấu, nhất là thông tin từ bên ngoài vào; đồng thời các cơ quan báo chí, truyền thông cần kịp thời cung cấp thông tin chính thống, có sức thuyết phục để người dân, đặc biệt là giới trẻ có đầy đủ thông tin để có những hành động đúng.


         THANH TÁNH
 


.