Biên soạn lịch sử đảng bộ: Nhiều địa phương gặp khó khăn

02:07, 10/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tư liệu lịch sử không còn nhiều, lực lượng có chuyên môn, nghiệp vụ ít, kinh phí hạn chế... là những khó khăn của nhiều địa phương trong thực hiện công tác biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp, nhất là cấp xã.

Thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”; Chỉ thị 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

 

 Đến nay, có 50% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương.
Đến nay, có 50% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương.

Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, có một số tài liệu mới được sưu tầm và ý kiến đóng góp của các cán bộ lão thành đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử của địa phương, ban, ngành... Nhiều ấn phẩm đã nêu lên được những hạn chế, khuyết điểm, rút ra được bài học kinh nghiệm để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh ở địa phương trong giai đoạn hiện nay.
 

Đến nay, có 13/14 huyện, thành phố trong tỉnh đã xuất bản lịch sử Đảng bộ huyện (riêng huyện Tây Trà mới thành lập năm 2004, nên chưa có lịch sử đảng bộ). Trong đó, 5 huyện, thành phố xuất bản giai đoạn 1929-2005 hoặc giai đoạn 1930-2015; 8 huyện xuất bản giai đoạn 1930-1975. Các huyện gồm Sơn Tịnh, Mộ Đức, Bình Sơn có 100% xã, thị trấn có lịch sử truyền thống.

Huyện Bình Sơn là một trong những địa phương tích cực trong công tác chỉ đạo biên soạn lịch sử đảng các xã, thị trấn. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Sơn Trương Quang Ấn cho biết, đến thời điểm này, 25 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành xong việc biên soạn lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930-1975; 12 xã, thị trấn đang tiếp tục hoàn thiện lịch sử đảng bộ địa phương giai đoạn 1975-2015.

Huyện hỗ trợ mỗi địa phương 40 triệu đồng để biên soạn lịch sử đảng bộ xã. Tuy nhiên, việc biên soạn lịch sử đảng bộ gặp nhiều khó khăn, vì gần như không có xã nào có cán bộ có chuyên môn để biên soạn, mà phải hợp đồng với những người có năng lực của tỉnh, huyện.

Theo Phó Phòng Lý luận chính trị, Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) Lê Hoàng Nguyên, đến nay số lượng các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh hoàn thành công tác biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ chưa đạt 50%. Việc nghiên cứu, biên soạn còn lúng túng về phương pháp, thiếu tính khoa học, ngôn ngữ chưa chuẩn...

Nguyên nhân chính là do nguồn tư liệu các giai đoạn trước 1975 không còn, hoặc còn ít; nhân chứng, tài liệu thành văn không nhiều, không được khai thác đầy đủ, có xã không còn nhân chứng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách lịch sử đảng quá ít, cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ chuyên môn, còn cấp xã thì hầu hết không có người đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Ngoài ra, kinh phí sưu tầm tư liệu, biên soạn quá ít, thậm chí không có.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 2/3 số xã, phường, thị trấn hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. Cùng với đó là rà soát những công trình đã xuất bản, tiếp tục tập hợp tài liệu, ý kiến về nội dung, sự kiện, nhân vật lịch sử để bổ sung, chỉnh sửa khi tái bản; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho những người làm công tác lịch sử đảng ở cấp huyện.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Hào nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải xem công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng. Các công trình biên soạn, xuất bản phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề của lịch sử, để phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra.


 Bài, ảnh: X.THIÊN


 


.