KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11.6.1948-11.6.2018)
Thi đua làm theo lời Bác (kỳ 2)

10:06, 12/06/2018
.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ 2:  Phát huy sức mạnh đại đoàn kết    


(Báo Quảng Ngãi)- Bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã và đang thấm sâu trong nếp nghĩ, cách làm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Ngãi. Nhờ đó, việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước ngày càng thực chất, hiệu quả và lan tỏa rộng khắp trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.  
 
Sức bật từ phong trào thi đua  

Xứ đồng Cù Lao, xã Đức Chánh (Mộ Đức) từng là vùng đất gò đồi, thiếu nước sản xuất, nên hiệu quả canh tác không cao. Năm 2016, xã Đức Chánh tiến hành quy hoạch, dồn điền đổi thửa, làm đường nội đồng, đóng giếng để khai thác đất đai ở xứ đồng này. Chủ trương đó đã được nhân dân đồng tình. Vì thế, từ một vùng đất khô cằn, nơi đây đã trở thành vùng đất canh tác rau, quả trù phú của xã. Không chỉ tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, canh tác thuận lợi, mà còn thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bà Tạ Thị Châu, một hộ dân canh tác ở xứ đồng Cù Lao phấn khởi nói: "Từ khi thực hiện chuyển đổi sang trồng dưa lưới và đảm bảo nguồn nước tưới, gia đình tôi có được nguồn thu nhập đáng kể. Doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nên người dân yên tâm sản xuất".

 

Cây dưa lưới phát triển tốt ở xứ đồng Cù Lao, xã Đức Chánh (Mộ Đức) và được bao tiêu sản phẩm.              Ảnh: T.Thuận
Cây dưa lưới phát triển tốt ở xứ đồng Cù Lao, xã Đức Chánh (Mộ Đức) và được bao tiêu sản phẩm. Ảnh: T.Thuận


Bí thư Đảng ủy xã Đức Chánh Đoàn Văn Bảy cho biết: Thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế, trong đó có chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã đầu tư cải tạo xứ đồng Cù Lao, từ vùng đất trồng mì, bắp không hiệu quả, chuyển sang vùng chuyên canh trồng rau, củ, quả an toàn.

Đầu tháng 6.2018,  hơn  7 tấn dưa lưới trồng trên diện tích 2,5 sào của nông dân được tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh với giá gần 25 nghìn đồng/kg, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Cuối tháng này, nông dân tiếp tục thu hoạch gần 20 tấn dưa lưới. Điều đáng mừng là, giá cả và thị trường tương đối ổn định, nhờ sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tạo điều kiện, xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời vận động nông dân liên kết sản xuất để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

 

 "Trong 2 năm (2016-2017), số xã đạt nông thôn mới trong toàn tỉnh bằng kết quả của cả giai đoạn 2011 -2015. Đây được xem là thành quả của phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 14 xã đạt 15-18 tiêu chí, 56 xã đạt từ 10-14 tiêu chí. Huyện Nghĩa Hành đang làm thủ tục đón nhận huyện nông thôn mới. Từ phong trào này, nhân dân đã hiến hàng chục nghìn ngày công, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, tự nguyện dỡ bỏ và hiến công trình trên đất, cùng hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng nông thôn mới, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân từng bước được nâng lên".


Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh DƯƠNG VĂN TÔ

 

Phong trào thi đua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng tạo sức bật lớn ở nhiều địa phương. Điển hình như xã Sơn Thành (Sơn Hà), đến nay đã hình thành các nhóm sản xuất theo hình thức nhóm hộ và có địa chỉ tiêu thụ. Nhiều hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi được tuyên truyền, vận động đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đinh Pủ, ở thôn Hà Thành cho biết: Từ định hướng của địa phương, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất trồng mì không hiệu quả sang trồng chuối. Hiện 1.000 gốc chuối của gia đình đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.

Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, đến nay huyện Sơn Hà đã bứt phá trở thành huyện miền núi đầu tiên của tỉnh thoát khỏi diện huyện nghèo nhờ những quyết sách đúng đắn.

Đồng hành cùng người nghèo

Tháng 7.2017, anh Hồ Văn Đông, ở thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh (Tây Trà) được hỗ trợ 2 con bò trị giá 15 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm của cán bộ ở 3 cơ quan, gồm Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Kho bạc huyện và Trường Tiểu học Trà Lãnh. Cùng với đó, gia đình anh còn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn  nuôi  để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đầu năm 2018, gia đình anh Đồng đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Lãnh Đỗ Minh Đinh cho biết: Khi được phân công giúp đỡ hộ anh Đông, nhà trường đã họp cán bộ, giáo viên để bàn phương thức hỗ trợ sao cho hiệu quả. Dù đời sống của giáo viên còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần tương thân tương ái, 100% cán bộ, giáo viên đã đóng góp tiền giúp đỡ gia đình anh Đông (từ 200 - 300 nghìn đồng/người).

Cụ thể hóa phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới", “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020, do Thủ tướng Chính phủ phát động, huyện Tây Trà đã giao trách nhiệm cho 99 cơ quan, đơn vị trên địa bàn giúp thoát nghèo cho 36 hộ/năm ở 36 thôn.

 

 Anh Hồ Văn Đông, ở thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà (bên phải) thoát nghèo nhờ phong trào thi đua chung tay vì người nghèo.                  Ảnh: B.SƠN
Anh Hồ Văn Đông, ở thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà (bên phải) thoát nghèo nhờ phong trào thi đua chung tay vì người nghèo. Ảnh: B.SƠN


Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã xây dựng nhiều mô hình, sáng tạo những cách làm hay để đồng hành cùng người nghèo thoát nghèo bền vững. Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cho biết: Ngoài việc huy động 1,8 tỷ đồng ủng hộ  “Quỹ vì người nghèo” để phân bổ làm nhà ở, hỗ trợ cây, con giống, phương tiện sản xuất, huyện còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có những việc làm cụ thể, thiết thực để hỗ trợ hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, mô hình “Tiết kiệm làm theo Bác” giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Bình Sơn đã giúp 55 hộ thoát nghèo bền vững, đạt 117% chỉ tiêu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,84%.
 

Với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2017, toàn tỉnh đã giảm hơn 6.300 hộ nghèo, trong đó khu vực miền núi giảm gần 2.800 hộ. Đây là năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhiều nhất từ trước đến nay. Hiện nay, số hộ nghèo toàn tỉnh là 38.941 hộ, chiếm 11,21%.

Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng đã tổ chức, phát động nhiều phong trào thi đua theo chuyên đề. Đặc biệt, các phong trào thi đua được gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Phạm Châu cho biết: Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh luôn gắn phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chủ đề công tác năm. Nhờ đó, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa rộng, có sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Từ các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thông qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình. Năm 2017, toàn tỉnh có 50 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương các hạng, cờ thi đua, bằng khen. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho 55 tập thể; tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 378 tập thể; tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 97 cá nhân; tặng bằng khen cho 541 tập thể và 1.880 cá nhân...


THANH THUẬN - BÁ SƠN

 

------
Kỳ 3: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng



 


.