Sơn Mỹ, vượt lên nỗi đau- Kỳ cuối: Vươn mình xây dựng cuộc sống mới

08:03, 15/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sơn Mỹ nói riêng, Tịnh Khê nói chung, sau 50 năm kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát là một bức tranh nông thôn đẹp, đang từng bước đô thị hóa, được tạo dựng bởi những tấm lòng bao dung, đùm bọc, sẻ chia của chính người dân Sơn Mỹ, cộng đồng ở trong và ngoài nước. Những đau thương, mất mát của 50 năm trước đã không khuất phục được ý chí và tinh thần tự lực vươn lên của người dân nơi đây.

TIN LIÊN QUAN


Từ xa xưa, Tịnh Khê được coi là vùng đất "địa linh", nơi có dãy núi Tam Thai, Thiên Mã; có cả sông, biển liền kề nhau. Chính mảnh đất có nền văn hiến lâu đời này đã sản sinh ra nhiều người con của quê hương đi vào lịch sử, như tướng thủy quân Tây Sơn Trương Đăng Chấn; vợ chồng đô đốc Trương Đăng Đồ- Nguyễn Thị Dung; Anh hùng dân tộc Trương Định; Thái sư Trương Đăng Quế-người "khai khoa" của đất Cẩm Thành xưa; Trương Quang Giao, Võ Bẩm... Đây cũng là địa phương có phong trào cách mạng phát triển rất sớm ở Quảng Ngãi. Vào mùa xuân năm 1927, tại bãi biển Mỹ Khê, "Hội Việt Nam cách mạng thanh niên"- Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Quảng Ngãi ra đời.
 

Dự án Công viên tưởng niệm Hòa Bình Mỹ Lai có quy mô khoảng 41 ha, trong đó phạm vi quy hoạch xây công viên khoảng 25,8 ha sẽ được triển khai trong thời gian đến. Tổng vốn đầu tư 348 tỷ đồng, do Quỹ Hòa bình Mỹ Lai đầu tư (từ nguồn tài trợ của các nhà tài trợ trong và ngoài nước). Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã xác nhận tham gia vào nhiều hạng mục của dự án. Nơi đây không chỉ để tưởng niệm những thường dân bị sát hại, mà còn là điểm đến tham quan, du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch của Tịnh Khê nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.
Giám đốc Sở VH-TT&DL NGUYỄN MINH TRÍ
Tự hào vùng đất anh hùng

Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, Tịnh Khê là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài cho cách mạng. Quân và dân Tịnh Khê đã chiến đấu kiên cường, lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 13.9.1964. Tuy nhiên, ngày hôm sau, địch tổ chức lực lượng, đưa quân từ thị xã kéo về hòng chiếm lại xã Tịnh Khê. Để ngăn chặn bước tiến của địch, Chi bộ Tịnh Khê huy động nhân dân tản cư ngược về hướng quận lỵ, đồng thời thả số binh lính bị bắt để loan tin "Việt cộng từ biển đổ vào", làm cho quân địch hoảng sợ, không dám kéo xuống Tịnh Khê.
 
Từ sau vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16.3.1968, quân và dân Tịnh Khê càng kiên cường đánh giặc. Nhiều du kích gan dạ, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đánh địch bằng vũ khí tự tạo để bảo vệ quê hương, xóm làng; góp phần rất lớn vào công cuộc đấu tranh, giải phóng Quảng Ngãi ngày 24.3.1975 và thống nhất đất nước. Kể về truyền thống cách mạng của địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) Trần Văn Truyện, rất đỗi tự hào. Ông Truyện, nói: Đảng bộ, quân và dân xã Tịnh Khê rất vinh dự khi được Đảng và Nhà nước hai lần tặng thưởng Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân" thời kỳ kháng chiến chống đế quốc xâm lược, cứu nước, vào các năm 1969 và 2005. Chúng tôi xem đây là nền tảng, động lực, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương Tịnh Khê hôm nay.
Bộ mặt nông thôn xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) từng bước được đô thị hóa.
Bộ mặt nông thôn xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) từng bước được đô thị hóa.


Cảm nhận được trách nhiệm đối với quê hương anh hùng, từ nhiều năm qua, thầy và trò Trường THPT Sơn Mỹ đã không ngừng nỗ lực trong công tác dạy và học. Nhiều thế hệ học trò của trường đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn ra sức học tập và đã thành danh trên nhiều lĩnh vực, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của quê hương. Phó Hiệu trưởng nhà trường Phạm Duy Tra, chia sẻ: Ngoài dạy kiến thức, nhà trường còn chú trọng giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước cho các em học sinh thông qua các buổi nói chuyện dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Qua đó giúp các em có ý thức trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước.
 

Những địa danh lịch sử tiêu biểu ở Tịnh Khê:

Bãi biển Mỹ Khê được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa (thắng cảnh biển Mỹ Khê). Căn cứ rừng dừa nước: Ngay từ những năm 1930, rừng dừa nước từng là địa điểm liên lạc, trú ẩn của những chiến sĩ hoạt động cách mạng... được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đền thờ Trương Định thuộc xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê. Mộ Thái sư Trương Đăng Quế, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử. Khu Chứng tích Sơn Mỹ, được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1979 (di tích lịch sử quốc gia đầu tiên ở Quảng Ngãi), nay là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng.

Một cuộc sống mới đang về

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, các tầng lớp nhân dân Tịnh Khê đã nỗ lực không ngừng trong lao động, sản xuất, đầu tư kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh... Đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế đã từng bước được xây dựng kiên cố. Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Nguyễn Văn Anh, cho biết: Phát huy lợi thế có Quốc lộ 24B chạy qua, bãi biển Mỹ Khê và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, người dân ở đây đã đầu tư kinh doanh các dịch vụ ăn uống, lưu trú để phục vụ khách du lịch, nên đời sống đã được cải thiện đáng kể. Trong tương lai không xa, Tịnh Khê sẽ là điểm đến du lịch lý tưởng không chỉ của riêng Quảng Ngãi, vì đã và đang triển khai, kêu gọi đầu tư nhiều dự án kinh doanh dịch vụ, du lịch.

Dọc con đường bê tông dẫn về xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung nay có rất nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang. Ông Nguyễn Bạo có nhà sát bên ngôi mộ chung 102 người dân bị sát hại, trong đó có 3 người trong gia đình ông, bộc bạch: Sau ngày giải phóng, đất bạc màu nên nhiều người bỏ vào Nam hoặc lên Tây Nguyên làm ăn, nhưng gia đình tôi vẫn bám trụ. Tôi vừa trồng hoa màu, làm 4 sào lúa và chăn nuôi. Nhờ chịu khó và biết chắt chiu, nên vợ chồng ông Bạo đã có cuộc sống ổn định, nuôi 3 con ăn học nên người. Trên những cánh đồng bị địch ném bom cày xới, giờ là những cánh đồng lúa, rau màu xanh quanh năm nhờ có nguồn nước tưới từ công trình Thạch Nham. Ở những vùng giáp biển, người dân tổ chức nuôi trồng thủy sản, đầu tư tàu thuyền để ra khơi đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế gia đình.

Nguyên Giám đốc Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phạm Thành Công, vừa là nạn nhân, vừa là người gắn bó gần cả cuộc đời với khu chứng tích, ông đã nhận được nhiều lời chia sẻ, động viên của rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Sơn Mỹ, cả những lời sám hối của những người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra vụ thảm sát. Tại đây, mỗi ngày qua đi, ông đã nhận ra rằng, chiến tranh đã để lại quá nhiều đau thương. Song, "Để nỗi đau thương này hành hạ mãi thì tương lai con cháu, quê hương cũng chẳng có gì để vui", ông Công bộc bạch. Với suy nghĩ đó, ông Công đã tự nỗ lực vươn lên trong học tập, công tác, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no. Giờ đây, các con của ông cũng đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Cũng với suy nghĩ đó, em Nguyễn Văn Dũng, lớp 11A7, Trường THPT Sơn Mỹ, nói: Là thế hệ trẻ, chúng em mong muốn khép lại quá khứ đau thương, chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Bản thân em sẽ nỗ lực học tập để xứng đáng với truyền thống của quê hương anh hùng.

Theo Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trương Thanh Thảo, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của xã không ngừng phát triển. Tổng thu ngân sách địa phương gần 7,9 tỷ đồng, đạt gần 116%... Đặc biệt, Tịnh Khê là một trong những xã đạt chuẩn văn hóa sớm của tỉnh. Cuối năm 2015, được công nhận là xã nông thôn mới. "Tha thứ cho kẻ biết lỗi lầm cũng là cách để giảm bớt đau thương cho chính mình. Nhờ cách nghĩ đó mà người dân Sơn Mỹ có được cuộc sống mới như ngày hôm nay", ông Thảo chia sẻ.


Bài, ảnh: M.HẠ- TR.PHƯƠNG


 


.