Sơn Mỹ, vượt lên nỗi đau- Kỳ 1: Vết thương Làng Hồng...

03:03, 14/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16.3.1968, đã cướp đi sinh mạng của 504 thường dân, để lại nỗi đau không chỉ với người dân Sơn Mỹ mà với cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. 50 năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ của bạn bè quốc tế và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nên nỗi đau thương ấy đã phần nào nguôi ngoai, thay vào đó là sự hồi sinh, vươn lên phát triển mạnh mẽ của đất và người nơi đây...

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1:  Vết thương Làng Hồng...

Vụ thảm sát Sơn Mỹ cách đây 50 năm đã hằn sâu trong ký ức và tâm trí của người dân Quảng Ngãi và bạn bè quốc tế. Song, cho đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ cái tên "Làng Hồng" xuất phát từ đâu, vì sao điều đau thương ấy lại xảy ra ở  vùng quê thanh bình này...

 

Chia sẻ với chúng tôi về cái tên "Làng Hồng", Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Tiến Dũng, cho biết: Cũng như bao địa phương khác, trước những năm 1967, tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (nay thuộc TP.Quảng Ngãi) cũng có những tên làng, tên xóm tồn tại từ bao đời nay và rất đỗi thân thương với người dân chất phác, mộc mạc nơi đây, đó là xóm Thuận Yên (nay là Khê Thuận), Tư Cung, Mỹ Hội (nay là Khê Hội), Cổ Lũy... Nhưng rồi, kẻ thù của nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ đã không cho tồn tại trên bản đồ quân sự của chúng, thay vào đó là những con số (từ Mỹ Lai 1, 2, 3, 4...), được đánh những dấu chấm đỏ và được gọi với cái tên "Pink wille- Làng Hồng"- nghĩa là làng thân Cộng sản.

 Một góc Khu Chứng tích Sơn Mỹ.                                      Ảnh: PV
Một góc Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: PV

Âm mưu của kẻ hiếu chiến

 Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Huỳnh Minh Giữ, cho biết: Trong những năm kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, Tịnh Khê là một trong những xã đầu tiên của Quảng Ngãi được giải phóng hoàn toàn vào ngày 13.9.1964. Vì thế, sau thất bại Xuân Mậu Thân 1968, địch đã tập trung lực lượng, phương tiện để đánh phá, rải chất độc vùng giải phóng, trong đó có xã Tịnh Khê. Nhưng rồi chúng đã thất bại khi tổ chức đi càn xuống Tịnh Khê, bị lực lượng du kích xã tiêu diệt một số binh lính, khi rút lui thì giẫm mìn của bộ đội ta cài ở rừng ông Hương Liễn và miếu Âm linh. Từ đó, trong quân địch lan truyền câu “Lính đi mất mạng, quan về mất lon”, nói về sự nguy hiểm khi tổ chức đi càn ở Tịnh Khê.

Sáng ngày 16.3.1968, chưa đầy 8 tiếng đồng hồ, kẻ địch đã sát hại 504 thường dân, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em, người già tại xóm Thuận Yên (Khê Thuận), Mỹ Hội (Khê Hội)... Có 247 ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản bị thiêu hủy; hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị sát hại.

Từ thất bại đó, địch đã chuyển sang thực hiện chiến lược "quét và giữ" trong kế hoạch "bình định cấp tốc". Chúng đã chọn Tịnh Khê làm điểm thực hiện chủ trương ba sạch "giết sạch, đốt sạch, phá sạch". Mục tiêu của chúng là hủy diệt xóm làng, làm nhụt ý chí cách mạng của quân và dân ta lúc bấy giờ. Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Huỳnh Minh Giữ, sở dĩ địch chọn Sơn Mỹ làm nơi thí điểm thực hiện chính sách "3 sạch", vì người dân Sơn Mỹ là những người cách mạng, gan dạ, dũng cảm và đã chống lại chúng rất quyết liệt. "Sơn Mỹ còn là căn cứ cách mạng, là nơi xuất phát của nhiều lực lượng  ta tấn công lên tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Chúng cho rằng, diệt được Sơn Mỹ là tiêu hao được một phần quan trọng sinh lực cách mạng và tiến đến khống chế vùng phía đông Quảng Ngãi", ông Huỳnh Minh Giữ nhấn mạnh.

Với âm mưu đó, địch lấy thôn Mỹ Lại (gọi chệch thành Mỹ Lai) làm mục tiêu hành quân và đánh dấu các mục tiêu tấn công theo thứ tự từ Mỹ Lai 1 đến Mỹ Lai 4. Và rồi, buổi sáng tang thương 16.3.1968 đã đến với người dân Sơn Mỹ. Ông Bill Keap- một du khách đến từ Sanfrancisco (Mỹ) đã phải thốt khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh của vụ thảm sát tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ: “Cuộc chiến tranh này thật kinh khủng, tàn bạo. Những người bị giết chỉ toàn là người già, phụ nữ và trẻ em thì ai có thể chấp nhận cho được...”.

Khắc ghi nhưng không hận thù

Nguyên Giám đốc Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phạm Thành Công- một trong những nhân chứng trong vụ thảm sát hôm đó nhớ lại: Như bao buổi sáng bình thường khác, sáng sớm ngày 16.3.1968, người dân xã Tịnh Khê tất bật lo toan cho một ngày mưu sinh, có gia đình còn đang ăn cơm sáng, bọn trẻ con chuẩn bị đến trường thì địch đã nã đạn pháo nổ vang trời; ngay cả những em bé đang khát sữa chúng vẫn không tha.

Dâng hương tưởng niệm 504 thường dân trong vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Dâng hương tưởng niệm 504 thường dân trong vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Với âm mưu "3 sạch", địch dùng cả đại bác, pháo các cỡ từ trận địa pháo Bình Liên, núi Răm bắn dồn dập vào thôn Tư Cung để mở đường cho máy bay trực thăng từ Chu Lai vào đổ quân xuống Thuận Yên xả đạn, rốc két, đại liên vào trong xóm. “Nghe tiếng kêu cứu, than khóc từ những ngôi nhà trong xóm, mẹ vội đưa chị em tôi xuống hầm. Chưa kịp hoàng hồn thì bọn lính đã ở trên nóc hầm rút chốt lựu đạn ném xuống. Mãi đến chiều hôm ấy tôi tỉnh dậy mới biết mình sống sót dưới thân thể của mẹ, chị và 3 em trong căn hầm đổ nát”, ông Phạm Thành Công, kể.
 

Những tấm lòng nhân ái trong vụ thảm sát

Vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16.3.1968 quá kinh hoàng, nên ngay trong quân đội Mỹ cũng có người phải bắn vào chân mình để khỏi cầm súng sát hại thường dân. Có người đã tham gia giải cứu những thường dân bị thương như Hugh Thompson, Lawrence Colburn. Ngay khi bay qua làng, chứng kiến cảnh tượng vô số xác người chết bên bờ kênh Khê Thuận. Tất cả đều chỉ là trẻ con, phụ nữ và người già, đội bay của Thompson đã cố gắng thực hiện những cuộc điện đàm để giải cứu những người bị thương; sau đó đội bay của Thompson đã cứu được một nhóm dân thường trong một căn hầm...

Với bà Phạm Thị Thuận (80 tuổi), ở khu dân cư Khê Thuận, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê thì nỗi đau mất người thân vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng, mặc dù thời gian đã trôi qua 50 năm, nhất là mỗi khi đến ngày giỗ. Mà quên sao được khi gia đình bà có đến 6 người mất trong vụ thảm sát này, chỉ còn mình bà sống sót. Bà Thuận, nhớ lại: Sáng hôm đó, cả nhà đang quây quần  bên mâm cơm sáng trước khi ra đồng thì bọn lính ập vào, chĩa súng dồn tất cả ra bờ kênh cùng với nhiều hộ trong xóm, rồi xả súng. Bà Thuận cũng chia sẻ, vết thương do chiến tranh để lại chắc chắn không  bao giờ phai nhòa trong ký ức và suy nghĩ của mỗi người dân Sơn Mỹ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

 
Song, vượt lên nỗi đau đó, người dân Sơn Mỹ đã kiên cường đứng dậy,  tham gia chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước, xây dựng cuộc sống mới ấm no, giàu đẹp hơn. Đó cũng là suy nghĩ của người dân Sơn Mỹ hôm nay và là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bố của ông Nguyễn Hồng Tựu- Trưởng thôn Tư Cung là một trong rất nhiều người dân như thế. Nén nỗi đau vào lòng khi mất 4 người thân, bố ông Tựu đã tình nguyện đi làm cách mạng với mong muốn quê hương, dân tộc được giải phóng, không để những đau thương một lần nữa xảy ra với những thường dân.

Cựu chiến binh Trương Văn Triết, ở xóm Khê Thuận cũng vậy. Trong điếu văn truy điệu 504 thường dân của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Khê Võ Nhự lúc bấy giờ có nêu "...Nhân dân Tịnh Khê quyết không sợ. Phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương... quyết đánh và quyết thắng quân xâm lược. Đánh để cho chúng biết rằng nhân dân Tịnh Khê vẫn còn và không bao giờ sợ chúng...". Và rồi, người dân Tịnh Khê đã làm được điều đó. Theo thời gian, nỗi đau của 50 năm trước đã phần nào nguôi ngoai quá khứ, thay vào đó là những nụ cười, ánh mắt tràn đầy niềm tin yêu để vững bước tiến về phía trước.


Bài, ảnh: M.HẠ .T.PHƯƠNG

-----------------
Kỳ 2: Thông điệp cho hòa bình



 


.