Khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ

08:03, 10/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945 - 11.3.2018), tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

TIN LIÊN QUAN

 

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ sẽ được tổ chức trọng thể lúc 19 giờ ngày 9.3.2018 tại Quảng trường 11/3 Ba Tơ, với quy mô cấp tỉnh, do UBND huyện Ba Tơ chủ trì thực hiện. Buổi lễ sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi.
 

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là một dấu son ngời sáng của Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đây là dịp để địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và ôn lại truyền thống cách mạng và ý chí kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc huyện Ba Tơ nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.

Đi vào lịch sử dân tộc

Cách đây 73 năm, chớp lấy thời cơ phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp ngày 9.3.1945, đêm ngày 10.3.1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi dưới sự chủ trì của Bí thư Trương Quang Giao đã tổ chức cuộc họp bất thường tại nhà đồng chí Trần Quý Hai. Tại đây, Tỉnh ủy lâm thời quyết định chớp thời cơ, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền từng phần trong toàn tỉnh, trước hết là huyện Ba Tơ. Ban lãnh đạo khởi nghĩa cũng được thành lập, gồm các đồng chí Trương Quang Giao, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt, Trần Quý Hai... do đồng chí Trương Quang Giao làm trưởng ban.

 Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ.
Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ.



Do kế hoạch khởi nghĩa có sự thay đổi, nên trưa ngày 11.3.1945, Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã họp khẩn tại Chòi canh Suối Loa (Ba Động) quyết định chuyển hướng khởi nghĩa, sử dụng lực lượng quần chúng phối hợp với đội võ trang khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện lỵ Ba Tơ ngay trong chiều 11.3. Sau đó, cuộc khởi nghĩa diễn ra đúng kế hoạch của Tỉnh ủy lâm thời.
 

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Tiến Dũng: "Các di tích có giá trị hết sức đặc biệt"

Khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa vũ trang từng phần đầu tiên trong cả nước do Đảng ta lãnh đạo và giành thắng lợi. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã để lại cho chúng ta nhiều bài học có giá trị thực tiễn. Đó là, bài học về tính chủ động nắm bắt thời cơ; nghệ thuật lãnh đạo của Đảng; tinh thần đoàn kết của đồng bào Kinh – Thượng; sự sáng tạo trong xây dựng, kết hợp lực lượng quần chúng với lực lượng vũ trang để đánh địch... Việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ một lần nữa khẳng định những giá trị đặc biệt của các di tích.

Chiều 11.3.1945, đội võ trang khởi nghĩa do đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách chỉ huy, cùng 14 đội viên võ trang, với sự hỗ trợ đông đảo đồng bào Kinh - Thượng đã nhanh chóng chiếm Đồn khố xanh, Nha Kiểm lý, thu toàn bộ vũ khí, gồm 17 súng trường, 50 hòm đạn... Cờ địch đã bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên.

Đặc biệt, tối ngày 11.3, một cuộc mít tinh lớn của đồng bào Kinh - Thượng được tổ chức tại sân vận động, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Kiệt. Đến sáng 12.3, UBND cách mạng lâm thời và Đội du kích Ba Tơ chính thức ra mắt, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng huyện Ba Tơ. Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã thành lập Đội du kích Ba Tơ gồm 28 đội viên; làm lễ tuyên thệ tại bãi Hang Én "Hy sinh vì Tổ quốc". Sau đó, Đội nhanh chóng phát triển lực lượng, chuyển về đồng bằng xây dựng khu căn cứ Vĩnh Sơn và Núi Lớn; hình thành 2 đội võ trang Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám... lập nên nhiều chiến công vang dội. Quảng Ngãi là một trong 4 tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng

Sau cuộc khởi nghĩa ngày 11.3.1945 giành thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân huyện Ba Tơ tiếp tục phát huy ý chí quật cường, lập nên nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược. Ngày 30.10.1972, huyện Ba Tơ được hoàn toàn giải phóng. Tinh thần đó tiếp tục được phát huy cho đến ngày hôm nay.

Trung tâm huyện lỵ giờ đã được quy hoạch, xây dựng khang trang. Để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tên tuổi của nhiều cán bộ, đội viên du kích Ba Tơ được chọn đặt tên cho một số tuyến đường trung tâm huyện lỵ. Người dân Ba Tơ hôm nay rất đỗi tự hào về quá khứ oai hùng của cha anh, từ đó đoàn kết, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới. Già Phạm Văn Quyết, ở thôn Nước Lá, xã Ba Vinh, có nhà nằm sát dưới chân núi Cao Muôn, bộc bạch: Ngày trước, giữa bốn bề núi non và sông suối chia cắt, nhưng lớp cha anh đi trước đã làm nên nhiều kỳ tích. Nay được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo thì đồng bào mình phải chí thú làm ăn, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
 

Năm 1980, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích Địa điểm cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là di tích lịch sử quốc gia. Năm 2010, Đội du kích Ba Tơ được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2013, Chính phủ công nhận 6 xã, thị trấn, gồm: Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 12.2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết, cho biết: Để có được diện mạo hôm nay là nhờ những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ đã phát huy truyền thống cách mạng, một lòng đoàn kết xây dựng quê hương. Huyện đã tận dụng mọi nguồn kinh phí từ Chương trình 135, Chương trình 30a; Chương trình xây dựng nông thôn mới; kinh phí an toàn khu và các chính sách khác... để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phát triển kinh tế. Đồng thời, triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại thu nhập cao; quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà cho đối tượng gặp khó khăn về nhà ở; cung cấp cây, con giống cho người dân, nhằm phát triển kinh tế ổn định.

Năm 2017, Ba Tơ đạt tổng giá trị sản xuất trên 1.185 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được xây dựng; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Trong năm 2017, huyện giảm 5,7% hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 32,3%; lương thực bình quân đầu người đạt gần 495kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người 20,32 triệu đồng/người/năm. Năm 2018, huyện phấn đấu đưa xã Ba Động đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020 có thêm 4 xã: Ba Cung, Ba Liên, Ba Ngạc, Ba Chùa đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Đảng bộ huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Cùng với đó là triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tăng cường lãnh đạo đảm bảo ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Phạm Thị Liêu ở thôn Đá Chát, xã Ba Liên (Ba Tơ): "Dân làng vui lắm!"
Nghe tin di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đồng bào chúng tôi vui lắm. Mong sao thời gian đến, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư tôn tạo, phát huy các giá trị di tích để phát triển du lịch và quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân vùng căn cứ cách mạng.

 

 

Phụ trách Bảo tàng Ba Tơ Bùi Đình Ngôn: "Sự kiện tri ân"

Là người từ chiến trường trở về và gắn bó với Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ gần 30 năm, tôi hiểu về giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, được khắc họa rất rõ nét trong từng hiện vật, hình ảnh, di tích... Việc xếp hạng di tích lịch sử Địa điểm về khởi nghĩa Ba Tơ là di tích cấp quốc gia đặc biệt là sự tri ân những thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

 


Bài, ảnh: MAI HẠ




 


.