Tôi viết trường ca vềTrương Quang Trọng

08:02, 19/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trường ca này có nhan đề khá giản dị: “Hiển thánh năm 25 tuổi”. Tại sao Trương Quang Trọng lại hiển thánh? Thì đó là một câu chuyện.
 

Chiến sĩ cộng sản Trương Quang Trọng.                                            ảnh: Tl
Chiến sĩ cộng sản Trương Quang Trọng. Ảnh: TL

Năm 1981, khi nhận viết trường ca “Bùng nổ của mùa xuân” về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, tôi đã có dịp làm việc với ông Phạm Nhớ, một chuyên gia về lịch sử Đảng, ông Nhớ đã cung cấp cho tôi nhiều tài liệu giá trị, đặc biệt là tài liệu về cuộc đấu tranh lưu huyết ở ngục Kon Tum. Khi ông Phạm Nhớ nhắc đến Trương Quang Trọng, tôi nhớ ngay là trước đó đã được bố tôi kể về tấm gương hy sinh lẫm liệt của người trí thức họ Trương quê Sơn Tịnh này.

Lịch sử bản thân ông Trương Quang Trọng không dài, bởi ông hy sinh năm mới 25 tuổi, nhưng cái chết của ông ở nhà ngục Kon Tum thì đặc biệt chói sáng. Vì thế, trong trường ca “Bùng nổ của mùa xuân” tôi đã viết được một đoạn thơ về cái chết của Trương Quang Trọng: “và lồng ngực Trương Quang Trọng ngang tàng thách thức/ và lưỡi dao Hồ Độ phóng qua cái chết/ máu gào thét/ máu/ sáng rực trong khoảnh khắc” (Bùng nổ của mùa xuân).

Đó chính là khoảnh khắc mà “cái chết hóa thành bất tử” như một câu thơ của Tố Hữu viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Sự hy sinh của Trương Quang Trọng, ngoài thể hiện cung cách của một anh hùng, còn đậm chất nhân văn sâu sắc. Vì ông đã hy sinh để bảo vệ danh dự của những người tù, trước một viên cai ngục hung ác nổi tiếng. Trương Quang Trọng còn đi xa hơn thế, khi ông hy sinh để bảo toàn danh dự của một tập thể tù nhân cách mạng. Bố tôi kể, khi Trương Quang Trọng hy sinh, thì câu chuyện về cái chết oanh liệt của ông đã bay tới nhà đày Buôn Ma Thuột, nơi bố tôi đang thụ án khổ sai. Câu chuyện ấy đã gây xúc động ghê gớm trong cả nhà đày Buôn Ma Thuột, và những cuộc đấu tranh của “nhà phạt” ở đây bắt đầu nổ ra với độ quyết liệt ngày càng tăng. Một người hy sinh có thể xốc dậy cả một phong trào, là như vậy.

Từ nước Pháp, văn hào Romain Roland khi nghe được câu chuyện này đã mạnh mẽ tuyên bố: “Tôi khạc sự khinh bỉ của tôi vào mặt bọn đao phủ chó má ở Đông Dương”. Câu nói của Roland-một văn hào có ảnh hưởng rộng lớn không chỉ ở nước Pháp mà cả toàn Châu Âu- đã khiến lương tri nước Pháp dậy sóng. Những người Pháp chân chính không thể ngờ những đồng bào mình mang danh “đi khai hóa” cho xứ Đông Dương thuộc địa lại tàn ác, bất nhân như vậy với những người Việt Nam yêu nước bị tù đày. Một nước Pháp với slogan “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” bị những hành động vô nhân đạo của thực dân Pháp thách thức nghiêm trọng về lương tâm và sự chính danh.

Trương Quang Trọng với cái chết của mình đã thành một ngòi nổ, và ông hiển thánh trong lòng những người Việt Nam yêu nước là chuyện đương nhiên. Nhưng nước ta từ xa xưa tới nay đã có biết bao người hiển thánh. Hầu hết, họ là những anh hùng dân tộc, những người đặc biệt có công với dân, với nước. Nhân dân phong thánh cho họ, chứ không phải một tôn giáo nào. Và ngày xưa, triều đình phong kiến chỉ xác nhận sự phong thánh ấy của nhân dân bằng các sắc phong.   

Đó là điều khiến tôi đặc biệt tự hào về dân tộc mình, một dân tộc không chỉ nhân nghĩa, mà còn thủy chung, có trước có sau, biết coi lòng nhớ ơn là một phẩm chất đạo đức tuyệt đẹp của con người.

Có thể trước khi Trương Quang Trọng ngã xuống trong cuộc đấu tranh lưu huyết, còn ít người biết đến ông, dù trong khoảng những năm hai mươi của thế kỷ hai mươi, thì ở Quảng Ngãi những người được học hành bài bản như Trương Quang Trọng là quá hiếm.

Trương Quang Trọng là một trí thức, dù ông chưa tốt nghiệp trường cao đẳng y khoa, hồi đó còn gọi là “Trường Thuốc Đông Dương”. Trước khi vào học y khoa, ông đã học ở trường Bưởi nổi tiếng, sau này được gọi là trường Chu Văn An (Hà Nội). Một người mà đường học vấn cũng như tương lai làm việc đang rộng mở xán lạn như vậy lại chọn con đường làm cách mạng đầy hiểm nguy, điều đó thật sự không đơn giản.

Ngục Kon Tum, nơi đồng chí Trương Quang Trọng hy sinh.                                        ẢNH: PHẠM ANH
Ngục Kon Tum, nơi đồng chí Trương Quang Trọng hy sinh. ẢNH: PHẠM ANH


Phải là người yêu nước, khát khao độc lập tự do cho Tổ quốc tới mức độ nào mới chấp nhận đánh đổi ghê gớm như vậy. Có điều lạ, sự lựa chọn ấy của Trương Quang Trọng diễn ra cứ như nhẹ nhàng, cứ như không một chút đắn đo. Mà nên nhớ, hồi đó ông mới 20 tuổi, cái tuổi bây giờ các cháu còn rất vô tư. 20 tuổi, đang học năm thứ hai Trường Y khoa Đông Dương thì bị đuổi học vì hoạt động yêu nước.

Tôi đã xem lại lịch sử hoạt động của trường y khoa này, thời ông Trọng theo học thì số lượng sinh viên ở đây còn rất ít và trường chỉ nhận những người đã thông thạo và có văn bằng Pháp ngữ. Như vậy, ông Trương Quang Trọng là người sử dụng tiếng Pháp rất thành thạo.

“Chính số phận đã đưa Người hiển thánh/ điều chính Người không bao giờ nghĩ đến/ hiển thánh như khốc liệt/ một cột sáng vút lên/ hiển thánh như vắt kiệt/ máu, đồng nghĩa hy sinh”.

Hiển thánh sau khi đã hy sinh hơn 80 năm, hiển thánh trong tình yêu thương và lòng ngưỡng mộ của người đời sau, đó chính là sự vinh danh của hậu thế với tấm gương hy sinh lẫm liệt của một người trí thức hiền hậu.

Trường ca “Hiển thánh năm 25 tuổi” như một khúc tưởng niệm con người vĩ đại ấy, lại như một nhắc nhở tới những người đang sống, đặc biệt là những người trẻ hôm nay.

Thanh thảo


 


.