Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018):
Bản hùng ca Xuân 68 (kỳ 1)

06:01, 29/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, cứu nước của dân tộc ta. Đã nửa thế kỷ trôi qua, hào khí của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm ấy vẫn vẹn nguyên. Ngọn lửa tình yêu quê hương, đất nước, kiên cường chống lại kẻ thù xâm lược vẫn cháy mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.

 

Kỳ 1: Quyết định táo bạo và sáng suốt

Cùng với chiến trường miền Nam, quân và dân Quảng Ngãi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết giành thắng lợi...

 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Quảng Ngãi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền là Trưởng Ban Chỉ huy Mặt trận, Chính trị viên trưởng. Mùa xuân này, cụ bước sang tuổi 98, nhưng câu chuyện của 50 năm về trước vẫn không phai nhòa trong tâm trí cụ. Cụ Biền, bảo: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã minh chứng rằng, bất kỳ thế lực nào, vũ khí dù tối tân đến mấy cũng không thể thắng nổi tinh thần thép của người dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng...

Chớp thời cơ…

Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta lúc bấy giờ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khóa III (12.1965) đã quyết định: "Động viên lực lượng cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào". Từ quyết tâm đó, quân và dân miền Nam với sự chi viện của hậu phương miền Bắc đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ - ngụy. Đặc biệt, hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” của địch đã bị ta bẻ gãy... tạo khí thế phấn khởi cho quân và dân ta khắp cả nước, mở ra một giai đoạn mới cho phong trào cách mạng ở miền Nam lúc bấy giờ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp bàn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh T.L.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp bàn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh T.L.


Chớp thời cơ đó, tháng 1.1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, khóa III đã chỉ đạo "chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới- thời kỳ tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi quyết định". Tập trung đánh thẳng vào đô thị, sào huyệt của Mỹ - ngụy... “Lệnh mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của Trung ương đã động viên toàn quân, toàn dân ta xung kích ra trận, quyết giành thắng lợi; vì độc lập, tự do của dân tộc và thống nhất đất nước. Đây là bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta”, cụ Biền cho biết.

Trên địa bàn Quảng Ngãi, sau thất bại trận Vạn Tường (18.8.1965), Mỹ - ngụy tập trung một lực lượng lớn lính Mỹ và chư hầu về tỉnh để đánh phá vùng giải phóng. Tuy vậy, quân và dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường bám trụ để đấu tranh. Tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh nỗ lực phi thường, quyết tâm cao độ, thực hiện nhiệm vụ Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào Tết Mậu Thân 1968. Lúc bấy giờ, không khí chuẩn bị cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên địa bàn Quảng Ngãi diễn ra vô cùng khẩn trương và nhận được sự ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân. Mục tiêu tổng tiến công là đánh thẳng vào thị xã và các quận lỵ, nơi tập trung các cơ quan đầu não, trung tâm chỉ huy, hậu cứ của Mỹ-ngụy; tiến công quân sự kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân tại chỗ và nông thôn kéo vào tấn công địch, giành chính quyền.
 

Công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Quảng Ngãi được Ban Chỉ huy Mặt trận và Ban Chỉ huy trực tiếp chiến đấu thực hiện chu đáo. “Tất cả cho Tổng công kích, tất cả cho tổng khởi nghĩa”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Lật ngụy, giành chính quyền về tay nhân dân”… Những câu khẩu hiệu đó chính là tiếng lòng của dân tộc, thể hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước của dân tộc ta; thôi thúc quân và dân ta sẵn sàng nhận lệnh tổng tiến công...

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi  PHẠM THANH BIỀN

Sẵn sàng nhận lệnh...

Để thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Quảng Ngãi quyết định thành lập Ban Chỉ huy Mặt trận và Ban Chỉ huy trực tiếp chiến đấu. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền là Trưởng Ban Chỉ huy Mặt trận, Chính trị viên trưởng. Ngay sau đó, thành viên Ban Chỉ huy Mặt trận và Ban Chỉ huy trực tiếp chiến đấu đã bắt tay ngay vào việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và chờ lệnh Tổng tiến công và nổi dậy của Trung ương và Tỉnh ủy. Khí thế của cuộc Tổng tiến công đã dâng cao trong lòng quân và dân từ thành thị đến nông thôn, miền núi.

Các đơn vị lực lượng vũ trang được củng cố, huấn luyện chiến đấu với tinh thần quyết chiến và tăng cường lực lượng về cơ sở. Tỉnh ủy thành lập thêm một trung đoàn hỗn hợp do đồng chí Trần Tây Sơ (Thu Hảo) làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Mai Lương (Bí thư Thị ủy) làm Chính ủy. Huy động số lượng lớn cán bộ, đảng viên và lực lượng quần chúng chuẩn bị gậy, dây, dao, rựa, cờ, băng rôn... nhằm nổi dậy khi lực lượng vũ trang tổng tiến công.

Ông Lê Nam Hà (85 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), nguyên Phó Bí thư Thị ủy trong chiến tranh, kể: Việc lựa chọn người cầm cờ, băng rôn đấu tranh chính trị khi quân ta tiến vào thị xã lúc bấy giờ là không hề dễ, vì phải đảm bảo tính bí mật của trận đánh quan trọng này. Dù vậy, những người dân mà chúng tôi tin tưởng ngỏ lời đều tự tin nhận nhiệm vụ và chờ lệnh, dù biết rằng công việc vô cùng hiểm nguy. Trước đó, ông Hà cùng các đồng chí khác cũng đã chuẩn bị cờ, băng rôn để phục vụ cho lực lượng quần chúng nổi dậy với khẩu hiệu: “Mặt trận Dân tộc  giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm!”, “Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ”... “Ngày đó đi đến đâu cũng có tai mắt của địch, nên chúng tôi không dám mua vải một lần với số lượng nhiều, mà phải mua làm nhiều lần, ở những tiểu thương tin cậy. Khi làm băng rôn, chúng tôi đều cảm thấy rạo rực, phấn chấn trong lòng, chỉ mong chờ nhận lệnh... ”, ông Hà nhớ lại. Để dẫn đường cho lực lượng vũ trang vào nội thị, ông Hà cùng một số đồng chí đã xây dựng lực lượng trong nội thị, do địch tổ chức canh gác nhiều tầng, nhiều lớp, lực lượng của ta khó có thể vào trực tiếp.

Đại tá Phan Long Châu (75 tuổi), khi ấy là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 81 bộ binh, cho biết thêm: Khi nhận lệnh chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy, chúng tôi vừa làm công tác chuẩn bị cho trận chiến, vừa kết hợp vận động quần chúng, trong điều kiện không được để lộ dấu vết.  “Quân và dân ta lúc bấy giờ hừng hực khí thế. Người dân hết lòng ủng hộ cách mạng. Người thì góp lương thực, thực phẩm; người hiến trâu, bò, tiền bạc, đi dân công tiếp vận phục vụ chiến trường; một số nơi thì đào hầm, địa đạo, xây dựng làng chiến đấu... Ở Trường cấp II Bình Sơn, 48 thầy, trò thì xung phong nhập ngũ. Các đội công tác từ vùng ven thị xã bí mật vào từng nhà dân, gặp gỡ từng người tuyên truyền vận động đồng bào chuẩn bị nổi dậy phối hợp với các lực lượng đánh địch. Các trinh sát thuộc đại đội đặc công 506B và lực lượng trinh sát vũ trang của tỉnh tiến sát chân bót gác ngã năm Quán Ấm... nắm tình hình.

Ăn Tết sớm

Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 48, đại tá Đặng Kim Cương (78 tuổi) kể, năm ấy ông cùng đồng đội ăn Tết sớm vào ngày 26 tháng Chạp. Biết trận chiến sẽ rất ác liệt, nhưng tinh thần anh em không hề lay chuyển, tất cả đều vui vẻ ăn Tết, hát hò, nói vui cùng nhau: “Anh em nào còn sống thì nhớ về báo lại với gia đình người đã mất nhé"; “bao giờ đánh tan giặc Mỹ mới trở về”. Những kỷ vật của cá nhân được chôn sâu dưới lòng đất. Còn đại tá Phan Long Châu - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 81 bộ binh thì tháo chiếc nhẫn 1 chỉ vàng mà lâu nay ông nâng niu như báu vật, bảo tài vụ đem bán để lo Tết cho anh em.  Đó là chiếc nhẫn mẹ cho ông lúc lên đường. “Anh em nấu bánh tét, mua thịt heo, bánh khô… để ăn Tết trước ngày tiến công một tuần. Ai nấy đều phấn khởi, nhất là những anh em ở miền Bắc mới vào. Đó là cái Tết thiêng liêng trong cuộc đời người lính Cụ Hồ”, ông Châu xúc động nói.

 


P.LÝ-NG.TRIỀU-X.THIÊN

---------------
Kỳ 2: Một mùa xuân quả cảm

 


.