Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn phức tạp

02:11, 30/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 3 năm được áp dụng vào cuộc sống, Luật Tiếp công dân đã tạo ra hành lang pháp lý để các cấp, các ngành, địa phương thực hiện có nền nếp hoạt động tiếp công dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp trên lĩnh vực này.

TIN LIÊN QUAN

Khiếu nại, tố cáo vẫn còn phức tạp

Từ năm 2014 đến nay, Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tập trung xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện đô thị hóa nên nhu cầu thu hồi đất để thực hiện các dự án lớn đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân. Quảng Ngãi cũng là tỉnh có số lượng người thụ hưởng các chính sách cho người có công và hỗ trợ an sinh xã hội nhiều, trong khi mặt bằng chung về trình độ quản lý của chính quyền cấp xã, cấp huyện còn hạn chế, nên dễ dẫn đến sai sót trong quá trình giải quyết những công việc liên quan đến người dân.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng (giữa) trong một lần tiếp công dân định kỳ của UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng (giữa) trong một lần tiếp công dân định kỳ của UBND tỉnh.
 
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng, quản lý tài nguyên, môi trường, khoáng sản cũng còn nhiều hạn chế, đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Những nhân tố trên làm cho tình hình công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của UBND tỉnh, năm 2014, các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh tiếp hơn 5.700 lượt công dân, năm 2015 là trên 6.500 lượt công dân và năm 2016 xấp xỉ 7.200 lượt.
 
Các vụ khiếu nại đông người cũng có chiều hướng gia tăng, liên quan đến các vấn đề như: Bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất, tranh chấp đất rừng sản xuất từ nhiều năm trước đây... Theo UBND tỉnh, tình trạng các vụ việc đông người phát sinh chủ yếu là, nhằm gây áp lực lên chính quyền, đưa ra yêu sách, đòi hỏi giải quyết nhanh chóng, giải quyết theo yêu cầu của công dân. Nhiều trường hợp, công dân không đồng ý cử đại diện, nhưng vẫn đòi được tiếp, hoặc người được cử đại diện sợ trách nhiệm nên không đồng ý... đã gây khó khăn trong quá trình tiếp công dân.

Người đứng đầu còn ngại tiếp dân

Theo UBND tỉnh, thời gian qua vẫn còn tình trạng một số người đứng đầu còn né tránh trong việc tiếp công dân, chỉ đạo xử lý các vụ khiếu nại đông người; công tác phối hợp giải tỏa bức xúc, căng thẳng của người dân ngay từ khi mới phát sinh chưa được coi trọng giải quyết, không đồng bộ, chưa toàn diện trong xử lý một số vụ việc.

Nhân lực còn hạn chế

Hơn 3 năm qua, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, cùng với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại trụ sở tiếp công dân tỉnh và cấp huyện từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm thực chất, có hiệu quả.

Quá trình tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân được thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng lắng nghe các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của công dân. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.

Theo UBND tỉnh, người đứng đầu các cơ quan chủ trì việc tiếp công dân vẫn còn ít. Việc kết luận, giải quyết trực tiếp qua tiếp công dân còn hạn chế, do tính chất vụ việc đòi hỏi phải có thời gian xác minh, căn cứ trên tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ mới kết luận được. Công tác đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm cấp dưới đã được quan tâm thực hiện, nhưng do thiếu chế tài xử lý trách nhiệm nên việc kiểm tra, chấn chỉnh chưa phát huy hiệu quả.

Một bộ phận cán bộ tiếp công dân ở cấp tỉnh, cấp huyện nhìn chung còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức pháp luật, trong khi thủ trưởng không quan tâm bố trí con người đủ tiêu chuẩn, năng lực làm công tác tiếp công dân. Theo Đề án vị trí việc làm của UBND các huyện, thành phố đã được phê duyệt, thì có 4 huyện bố trí công chức kiêm nhiệm làm công tác tiếp công dân, 9 huyện bố trí cán sự tiếp dân tại trụ sở tiếp công dân huyện.

Ngoài ra, nhiều cơ quan vì thiếu biên chế hành chính nên chưa bổ sung cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp thiếu các biện pháp cụ thể, hiệu quả để củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác này, ảnh hướng đến công tác tiếp công dân. Hơn nữa, ở cấp xã, việc tuân thủ lịch tiếp công dân vẫn còn hạn chế, một số xã thì luân phiên công chức tiếp công dân trong tuần, không mở sổ sách, theo dõi, ghi chép thông tin không đầy đủ, phân loại xử lý đơn thư không chính xác.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.