Hoài niệm về xứ sở Bạch Dương

09:11, 17/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù tuổi đã cao, nhưng những người con Quảng Ngãi đã từng học tập và làm việc tại xứ sở Bạch Dương vẫn luôn coi nước Nga là  quê hương thứ 2 của mình.

Theo chân Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga Lê Văn Nhân, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Phước ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Mặc dù đã bước sang tuổi 86, nhưng ông Phước vẫn còn minh mẫn. Ông là một trong số 50 người Việt Nam đầu tiên được Đảng và Nhà nước ta đưa sang Nga du học. Ông Nhân, chia sẻ: “Tuần qua, mới sáng sớm, nhưng chuông điện thoại của nhà đã reo, tôi liền nhấc máy lên nghe thì đầu dây bên kia là giọng anh Phước giục mở tivi xem Đài PT-TH tỉnh đang chiếu các bộ phim nổi tiếng của Nga”.

Ông Huy (giữa) say sưa kể những mẩu chuyện khi còn học tập tại nước Nga.
Ông Huy (giữa) say sưa kể những mẩu chuyện khi còn học tập tại nước Nga.


Theo ông Nhân, trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11.2017, Đài PT-TH tỉnh đã chiếu 7 bộ phim nổi tiếng của nước Nga, như: Chiến tranh và hòa bình, Matxcơva không tin vào nước mắt, Mặt trời trắng trên sa mạc... Ngay từ ngày đầu tiên phát sóng, hai vợ chồng ông Phước luôn dành thời gian theo dõi, không bỏ sót bộ phim nào. Vì thế, những hồi ức về nước Nga, những con đường đã đi qua, những món ông được ăn, những con người Nga thân thiện, chất phát lại hiện về trong ông.

Ông Phước nhớ lại, lúc mới sang học ngành Y tại Trường Y số 2 Matxcơva, ông chưa hề biết gì về tiếng Nga, nhưng được gần gũi và giao tiếp nhiều với bạn bè cùng lớp. Hơn nữa, ông có thế mạnh về chữ La tinh, nên những khó khăn dần được khắc phục. Nhờ vậy mà tất cả các môn học ông đều đạt điểm tuyệt đối. Với tấm bằng đỏ trong tay, ông được cử lên học tiến sĩ.

Năm 1963, ông Phước trở về nước và tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Hà Nội. Sau đó ông được tín nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Thái Bình, rồi đến Hiệu trưởng Trường Đại học Y Huế... và được công nhận là Nhà giáo ưu tú. Đối với ông, nước Nga cũng giống như quê hương thứ hai của mình. “Suốt 10 năm sinh sống và học tập tại nước Nga, tôi đã nhận được những tình cảm quý mến từ phía những con người của đất nước Nga tươi đẹp. Họ gần gũi, giản dị, chất phát, tạo những thiện cảm và khiến người khác không thể nào quên”.

Không chỉ ông Phước mà đó còn là cảm nhận chung của những người đã từng có cơ hội học tập, sinh sống và làm việc tại Nga. Điều đó được minh chứng bằng cách sống của người Nga và được thể hiện rõ nét trong ngày Tết cổ truyền của đất nước họ. “Vào dịp Tết cổ truyền, sinh viên Nga mời chúng tôi về nhà và cùng ăn bữa cơm truyền thống rất giản dị, mộc mạc nhưng ấm cúng. Có điều Tết cổ truyền, người Nga chỉ nghỉ 1 ngày”, ông Nhân bộc bạch.

Ông Phước luôn hướng về nước Nga- quê hương thứ 2 với sự biết ơn sâu sắc.
Ông Phước luôn hướng về nước Nga- quê hương thứ 2 với sự biết ơn sâu sắc.


Cùng đi trong chuyến sang Nga học tập trong đợt đầu tiên còn có ông Phạm Công Huy (83 tuổi) hiện nay ở  tổ 13, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Ông Huy cho hay, năm 1950, ông tốt nghiệp tại Trường Trung học Lê Khiết và tham gia nhập ngũ cùng học sinh của trường. Đến năm 1953, ông được gọi về và qua Nga du học theo chủ trương của Đảng. Ông cùng với đoàn đi bộ bằng đường núi hơn 4 tháng trời mới ra Bắc để di chuyển qua Nga. Lúc bấy giờ, ông học ngành cơ khí chế tạo tại trường Matxcơva.

Trong những năm tháng học tập ở Nga, ông Huy cũng đón nhận được những tình cảm sâu sắc và gắn bó với con người nơi đây. “Lúc đầu, tôi chưa quen với những món ăn nơi đây. Thấy vậy, những người làm ở căn tin đã thay đổi món ăn, để đảm bảo sức khỏe cho chúng tôi”. Chỉ bằng sự quan tâm từ cái nhỏ nhất đã ghi lại dấu ấn trong lòng những cựu sinh viên Quảng Ngãi đã từng học tập và công tác tại đất nước Nga.

Sau 7 năm, ông Huy ra trường và về công tác tại Bộ Công nghiệp. Sau đó, ông xin chuyển về công tác tại Nhà máy Cơ khí Trung Quy Mô (nay là Nhà máy Cơ khí Hà Nội). Đến năm 1977, ông về quê hương công tác tại Sở Công nghiệp tỉnh Nghĩa Bình (cũ) và về hưu.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, nhưng hình ảnh về con người, về văn hóa của đất nước Nga vẫn luôn hiện diện trong tâm trí của mỗi người. Từ hình ảnh những con lật đật, những cánh rừng bạch dương, đến những ca khúc rất đỗi thân thương, nhất là mùa thu vàng trên đất nước Nga. Một điều mà chúng ta, những người con Quảng Ngãi nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, luôn hướng về đất nước Nga tươi đẹp, với lòng tri ân sâu sắc trước sự giúp đỡ chân tình của đất nước và con người Nga trong mọi hoàn cảnh.


Bài, ảnh: TR. PHƯƠNG


.