45 năm Giải phóng Ba Tơ (30.10.1972 - 30.10.2017):
Bản hùng ca vang mãi – Kỳ 2

04:10, 31/10/2017
.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ 2: Như những huyền thoại

(Báo Quảng Ngãi)- Trong chiến dịch giải phóng Ba Tơ ác liệt ấy, ngoài những người lính từng trải qua nhiều trận đánh, còn có rất nhiều chiến sĩ lần đầu ra trận, những thanh niên tuổi mới đôi mươi đã giác ngộ đi theo cách mạng và những người dân đã quên mình lăn xả vào trận địa, bám từng tấc đất, hàng cây, gửi từng hạt muối, lon gạo để góp phần làm nên chiến công oai hùng này.
 
Đến nay, đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trong tâm thức những chiến sĩ tham gia ngày ấy, thì trận chiến như mới hôm qua. Với họ, được tham gia trận đánh giải phóng Ba Tơ là vinh dự, niềm tự hào và là dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời binh ngũ...
 
“Ông ba súng”


Để giải phóng Ba Tơ, lực lượng vũ trang rất cần có những con người “thuộc Ba Tơ như lòng bàn tay”. Trong hàng trăm chiến sĩ tham gia vào trận chiến ấy, có một chàng trai tuổi mới trăng tròn, nhưng vô cùng gan dạ và dũng cảm, địch chỉ cần nghe tên là sợ đến “tim đập chân run”. Người chiến sĩ ấy là ông Trần Thanh Vân, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Tơ (2004 - 2009), nguyên Bí thư Chi bộ thị trấn Ba Tơ (1972), kiêm Bí thư chi bộ phía trước.

Cựu chiến binh Đinh Ngọc Đê cùng phóng viên Báo Quảng Ngãi thăm lại Di tích chiến thắng Đá Bàn.
Cựu chiến binh Đinh Ngọc Đê cùng phóng viên Báo Quảng Ngãi thăm lại Di tích chiến thắng Đá Bàn.


Cuối tháng 10.2017, trời mưa phùn, tiết trời se lạnh, nhưng trong căn nhà của ông Vân nằm trên con đường nhỏ giữa lòng TP.Quảng Ngãi vẫn luôn ấm áp. Những bức ảnh, bằng khen, huân chương được ông treo trân trọng ở “phòng truyền thống” gia đình, mà như lời ông thì đó là niềm tự hào của cả cuộc đời ông, là hành trang để các con vững tin phấn đấu học tập và cống hiến cho quê hương, đất nước. Với ông, cứ khi mùa đông chớm đến, từng mảng ký ức về những ngày chiến đấu oanh liệt ấy cứ lần lượt ùa về như một quy luật tự nhiên.

Năm 1966, khi cả dân tộc đang sục sôi kháng chiến chống đế quốc xâm lược, theo tiếng gọi của cách mạng, chàng thiếu niên Trần Thanh Vân đã theo các chú, các anh lên đường làm cách mạng. Lúc bấy giờ ông chỉ mới bước sang tuổi 14, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng ý chí cách mạng thì ông không hề non trẻ. Bởi lẽ, ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Bác ruột của ông là cụ Trần Toại, nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tiên và thân sinh ông Vân cũng tham gia cách mạng, giai đoạn tiền khởi nghĩa.
 

Mối tình trong lửa đạn

Họ là những chàng trai, cô gái còn rất trẻ khi tham gia chiến dịch giải phóng Ba Tơ. Đi qua những ngày gian khổ, tình yêu đã bén rễ, để rồi họ gắn bó với nhau. Đó là nghĩa vợ, tình chồng của ông Phạm Văn Hương và bà Phạm Thị Điếc ở xã Ba Liên (Ba Tơ). Trong những ngày chiến đấu ác liệt, ông Hương đã được chính tay bà Điếc chăm sóc, giúp đỡ lương thực. Sau ngày giải phóng, ông và bà đã nên duyên vợ chồng.

Trong ký ức của mình, ông Vân vẫn nhớ, trước khi trở thành người của cách mạng, ông được một cán bộ công tác ở huyện Ba Tơ tặng tập sách của nhà thơ Tố Hữu, trong đó có bài “Từ ấy”. Những vần thơ trong veo, nhưng đầy máu lửa: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim...” đã thôi thúc chàng trai trẻ chiến đấu vì Tổ quốc, quê hương. Ba năm sau, chàng thanh niên Trần Thanh Vân vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng lúc chưa tròn 18 tuổi.

Ông Vân kể, khi trận chiến mùa thu 1972 nổ ra, bình thường một người chỉ mang theo một khẩu súng và đạn. Nhưng ông Vân lại đeo trên mình cùng lúc... 3 khẩu súng, gồm AK47, K59 và M79. Dù mang nhiều quân trang, nhưng mỗi khi ra trận, ở bất cứ cự ly nào, ông Vân đều sử dụng vũ khí một cách hiệu quả, khiến cho kẻ thù mỗi khi nghe trong đoàn quân ra trận có ông là khiếp sợ. Từ đó cái tên “Ông ba súng” ra đời.

“Mỗi người được trang bị một khẩu súng K59, nhưng tôi tham gia công tác ở Ban An ninh, nên được cấp thêm khẩu súng AK47. Trong chiến dịch giải phóng Ba Tơ, quân ta thu được nhiều súng, nên tôi nhận thêm một khẩu nữa. Làm Bí thư chi bộ, nhưng đi công tác như lính, nên lúc nào cũng súng ống sẵn sàng. Hồi đó, nói “ba súng” có nghĩa là tôi dùng được tất cả các loại súng bộ binh”, ông Vân cắt nghĩa.

Điểm tựa lòng dân

Theo nhiều cán bộ cách mạng đã từng hoạt động ở vùng rừng núi Ba Tơ, thì đây là một vùng “đất thiêng”. Ở đây, khi cán bộ cách mạng về gầy dựng cơ sở, người dân sẵn sàng tham gia bằng sức người, sức của, không ngại hiểm nguy. Cũng vì lẽ đó, mà các tổ chức cách mạng luôn đứng vững trên mảnh đất này. Dẫu đã 45 năm trôi qua, nhưng trong tâm trí đại tá, GS.TS Lương Minh Cao, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 52 trong chiến dịch giải phóng Ba Tơ, vẫn luôn khắc sâu tình cảm gắn bó giữa những người lính và quân dân Ba Tơ năm xưa.

Ông kể với giọng bùi ngùi: Trước khi bước vào trận đánh, chị Vân, anh Thạnh - Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi luôn đến thăm hỏi, tặng quà thương bệnh binh và các chiến sĩ. Rồi các chàng trai, cô gái từ các huyện lân cận xung phong đi tải đạn, gạo vào khu tập kết cho bộ đội chuẩn bị tiến công. Các bà mẹ vừa móm mém nhai trầu vừa vá áo cho các con, mắt bừng sáng kể chuyện đưa đón bao chiến sĩ giải phóng về nhà, luôn miệng hỏi chúng bây giờ ở đâu, còn hay mất.

“Đã là “người lính 52” thì không ai có thể quên được tiêu chuẩn thức ăn của bộ đội lúc đó, anh em hay gọi đùa là món “3 em”, gồm mắm, muối, bột ngọt. Từng thùng “mắm cái” của đồng bào gửi tặng cho lính, ăn đậm đà riết rồi thấy ghiền, đi chiến đấu ở đâu mà không có mắm cái của Quảng Ngãi là thấy bữa ăn thiếu gì đó, mất ngon”, đại tá Lương Minh Cao, xúc động.

Thời điểm diễn ra chiến dịch giải phóng Ba Tơ, ông Đinh Ngọc Đê (71 tuổi, hiện ở thị trấn Ba Tơ) đang công tác tại Huyện đội Sông Re. Đại đội của ông khi ấy được phân công hỗ trợ các lực lượng của ta, tấn công địch ở Khu căn cứ Đá Bàn. Nhớ lại thời kỳ chiến đấu gian lao mà anh dũng ấy, ông Đê không muốn nhắc về mình, mà chỉ nói về những người dân đã đùm bọc ông và các đồng đội. Có người ông còn nhớ tên, nhưng có người không thể nhớ, vì như ông nói: “Nhiều quá làm sao mà nhớ hết được”.

Nhưng dù thời gian có lùi bao xa, thì ông vẫn không thể nào quên được người phụ nữ có tên Đinh Thị Dinh ở xã Ba Tô. Những ngày chiến trận diễn ra ác liệt, mưa to, lương thực thiếu thốn, bà Dinh cùng người dân đã góp từng quả bầu, gùi rau hay con heo để bộ đội được “no cái bụng mà chiến đấu”. “Khi cách mạng cần, người dân Ba Tơ luôn sẵn lòng xung phong đi chiến trường, sẵn lòng ủng hộ lương thực cho bộ đội, che chở cho lực lượng cách mạng đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng”, ông Đê quả quyết.

“Tôi bước chân theo các anh, các chú làm cách mạng chỉ với một suy nghĩ, kẻ thù gây ra nhiều tội ác, bản thân mình sao không đứng lên cùng mọi người giải phóng quê nhà. Hơn nữa, gia đình mình có truyền thống yêu nước, nên tôi suy nghĩ con đường của tuổi trẻ là con đường cách mạng”.


Ông TRẦN THANH VÂN

Ông “ba súng” Trần Thanh Vân.
Ông “ba súng” Trần Thanh Vân.

 



 NG.TRIỀU - L.ĐỨC - X.THIÊN

------------------------
Kỳ 3: Dấu son về nghệ thuật quân sự  

 


.