45 năm Giải phóng Ba Tơ (30.10.1972 - 30.10.2017):
Bản hùng ca vang mãi - Kỳ 1

11:10, 30/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đúng ngày này 45 năm trước (30.10.1972 - 30.10.2017), huyện Ba Tơ hoàn toàn giải phóng.Đây là một trong những địa phương đầu tiên của Quân khu 5 được giải phóng trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đã 45 năm trôi qua, nhưng trong tâm trí những người từng vào sinh ra tử ở trận đánh quyết định ngày đó, nay vẫn không sao quên được thời khắc lịch sử ấy...

 

Kỳ 1: Cờ chiến thắng tung bay

Giải phóng Ba Tơ! Đó là mệnh lệnh mang tính chiến lược của Quân khu 5, bởi đây là vùng đất có vị trí chiến lược rất quan trọng. Sau 45 ngày đêm “mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”, Ba Tơ đã hoàn toàn giải phóng, đi vào lịch sử oai hùng trong cuộc chiến chống đế quốc xâm lược của dân tộc Việt Nam, trở thành niềm tự hào của cách mạng Quảng Ngãi và Quân khu 5...

 

Ba Tơ là địa danh đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược. Ở nơi núi rừng hùng vĩ này, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ “long trời lở đất” đã diễn ra ngày 11.3.1945, cùng với đó là Đội du kích Ba Tơ huyền thoại ra đời- tiền thân của LLVT Quảng Ngãi và Liên khu 5. Hơn 27 năm sau, ngày 30.10.1972, Ba Tơ lại trở thành niềm tự hào của phong trào cách mạng Quảng Ngãi, khi trở thành một trong những địa phương đầu tiên của Quân khu 5 được hoàn toàn giải phóng...

 Sự lựa chọn của lịch sử

Trong căn nhà đầy màu xanh trên đường Lê Văn Sỹ (TP.Quảng Ngãi), ông Vũ Tùng Vi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ phụ trách phía trước trong chiến dịch giải phóng Ba Tơ, vẫn lưu giữ ký ức đầy hào hùng của những ngày sục sôi. Theo ông Vi, ngày 15.9.1972, quân ta bắt đầu chiến dịch giải phóng Ba Tơ, nhưng trước đó gần cả năm, Quân khu 5 đã đề ra nhiệm vụ, đặt quyết tâm giải phóng Ba Tơ.

Bộ đội ta ký thi đua quyết tâm giải phóng Ba Tơ.                         Ảnh: T.L
Bộ đội ta ký thi đua quyết tâm giải phóng Ba Tơ. Ảnh: T.L


Đã 45 năm trôi qua, nhưng khi nhắc lại ngày giải phóng Ba Tơ lịch sử, giọng đại tá, GS.TS Lương Minh Cao (70 tuổi) ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 52 trong chiến dịch giải phóng Ba Tơ, vẫn đầy sôi nổi. Trận chiến giải phóng Ba Tơ chỉ là một “lát cắt” trong quãng đời binh nghiệp đầy tự hào của ông, nhưng cũng đã khắc sâu trong ký ức của người lính già.

Lý giải việc Ba Tơ “được chọn” để làm nên lịch sử, đại tá Lương Minh Cao, cho rằng: Ba Tơ như một “điểm cao” để quan sát và có thể khống chế vùng đồng bằng Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi. Dù là địa bàn nhỏ, nhưng Ba Tơ có vị trí chiến lược đối với Quân khu 5, vì tiếp giáp với Bình Định, Kon Tum, án ngữ đường vận chuyển từ miền Bắc vào Khu 5. Hơn nữa, khi đã khống chế được Đức Phổ, Mộ Đức thì dễ dàng chia cắt đường 1. Chính vì vậy, địch không bao giờ muốn mất Ba Tơ. Nếu làm chủ được Ba Tơ, Trung đoàn 52 sẽ cùng lực lượng vũ trang Ba Tơ xây dựng một căn cứ hậu phương vững mạnh, làm cho kẻ thù hoang mang khiếp sợ, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng vùng đồng bằng Khu 5 phát triển. Vì thế, cùng với những trận địa quan trọng khác, Ba Tơ được Quân khu 5 chọn lựa như một tất yếu của lịch sử.
 

Địa bàn trọng yếu

Theo ông Vũ Tùng Vi (ảnh), sở dĩ Ba Tơ được lịch sử “giao phó” những trọng trách quan trọng trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm là vì, đây là một trung tâm tỏa ra các hướng, thuận lợi cho việc thông tin liên lạc, hành quân trên địa bàn Quảng Ngãi và khu vực  Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên. Nếu được giải phóng, Ba Tơ sẽ là nơi dừng chân của các đoàn quân Nam tiến chuẩn bị trước khi vào trận; là vùng tự do để tiếp nhận và phân phối hàng; là nơi huấn luyện cho cán bộ, các đoàn quân từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng lên Tây Nguyên và từ Tây Nguyên về đồng bằng...

Ký ức ngày giải phóng

Nhớ về những ngày chiến đấu ác liệt ấy, đại tá, GS.TS Lương Minh Cao kể một cách say sưa. Có lẽ trong tâm thức của ông, thời khắc lịch sử đó sẽ mãi không bao giờ quên. Không cần tài liệu, sách vở, nhưng những hình ảnh về 45 ngày đêm lịch sử cứ lần lượt được ông tái hiện như một thước phim quay chậm: Ngày 15.9.1972, các phân đội vào chiếm lĩnh trận địa, nhưng một cơn bão bất ngờ ập đến, gây mưa to, nước lũ về. Dẫu vậy, chỉ huy Trung đoàn 52 vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch chiến đấu, lệnh cho đơn vị đã chiếm lĩnh trận địa bám trụ tại chỗ, kiên quyết không được lui ra, các mũi tiếp tục vào chiếm lĩnh trận địa.

Đến 20 giờ ngày 18.9.1972, Trung đoàn trưởng ra lệnh tấn công đánh chiếm quận lỵ Ba Tơ. Lập tức các hướng đánh bộc phá mở cửa thông qua 8 hàng rào. Lúc 20 giờ 45 phút, ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ Ba Tơ. Lá cờ chiến thắng của Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao cho Trung đoàn 52 với dòng chữ: “Quyết chiến, quyết thắng Ba Tơ” được các chiến sĩ Đại đội 7 cắm lên nóc nhà tên quận trưởng. “Nhìn lá cờ chiến thắng tung bay, ai cũng tin vào sự toàn thắng của quân ta, nhất định Ba Tơ sẽ được hoàn toàn giải phóng”, ông Cao xúc động.

Thị trấn Ba Tơ hôm nay.                     Ảnh: ĐỨC PHONG
Thị trấn Ba Tơ hôm nay. Ảnh: ĐỨC PHONG


Trong ký ức của đại tá Lương Minh Cao, những ngày tham gia giải phóng Ba Tơ là quãng thời gian cam go nhất trong cuộc đời ông. Mặc dù quận lỵ Ba Tơ đã được giải phóng, nhưng Khu trung tâm biệt kích Đá Bàn của địch vẫn còn. Với quyết tâm ngay từ đầu, từ Bộ Tư lệnh mặt trận đến cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp chặt chẽ cùng quân dân địa phương kiên trì tổ chức chiến đấu, chia cắt, bao vây tiêu diệt địch tại Khu trung tâm biệt kích Đá Bàn và tiến công quân địch cứu viện, cả ngày lẫn đêm, bất kể trời mưa, nắng hay bão lụt. Ta huy động một lực lượng lớn dân công hỏa tuyến tiếp đạn, tải lương phục vụ chiến trường. Lực lượng du kích và bộ đội địa phương phối hợp với quân chủ lực, Trung đoàn 52 tổ chức nhiều trận đánh ác liệt. Đến ngày 20.10.1972, vòng vây của ta đã áp sát Khu trung tâm biệt kích Đá Bàn, nhưng địch vẫn chống trả quyết liệt.

Đến bây giờ, ông Vũ Tùng Vi vẫn không quên được tinh thần cách mạng sôi sục, đồng bào Kinh, Hrê một lòng theo Đảng, giữ vững niềm tin thắng lợi, các lực lượng vũ trang giữ vững trận địa, tổ chức vây lấn, siết chặt vòng vây, liên tục tiến công, áp sát trận địa. Những ngày cuối tháng 10.1972, mưa tầm tã gây lũ lớn, tình hình chiến sự diễn ra ngày càng gay go ác liệt, nhưng chiến công vẫn nối tiếp chiến công.

Đến ngày 29.10.1972, các trận địa pháo của ta dồn dập nã xuống đèo Ông Huyện, khống chế địch ở đây, tập trung toàn lực lượng và hỏa lực tiêu diệt Khu biệt kích Đá Bàn. Đúng 23 giờ 45 phút, ngày 29.10.1972 ta mở đợt tấn công và đã làm chủ hoàn toàn trận địa Khu biệt kích Đá Bàn, đến 0 giờ 35 phút ngày 30.10.1972, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã tung bay trên nóc Sở chỉ huy Tiểu đoàn 69 Khu biệt kích Đá Bàn. Huyện Ba Tơ được hoàn toàn giải phóng, tạo niềm tin và động lực cho các địa phương khác trên địa bàn Quân khu 5 tham gia chiến đấu để giải phóng quê hương.


  NG.TRIỀU - L.ĐỨC - X.THIÊN


----------------------
Kỳ 2: Như những huyền thoại
 


.