Tập trung cho công tác xây dựng Đảng

08:09, 04/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy cũng chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ... gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã được triển khai từ đầu nhiệm kỳ đến nay và đã đạt được kết quả nhất định.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo. Công tác xây dựng Đảng tiếp tục có những cách làm hay, sáng tạo, như ban hành mới một số văn bản về công tác xây dựng Đảng cho phù hợp với công tác chỉ đạo của Trung ương và tình hình  thực tế của địa phương.
 

 

Lễ kết nạp đảng viên mới ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn.
Lễ kết nạp đảng viên mới ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn.
Cụ thể là, Đề án về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đề án và Kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2017 - 2020; thành lập Ban Chỉ đạo về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị; Quy định về chức danh trưởng phòng, trưởng phó phòng và tương đương của khối Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị tỉnh; tổ chức ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...

Năm 2016, qua đánh giá phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), có 428/912 TCCSĐ trong sạch vững mạnh (chiếm 46,9%); 388/912 TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 42,54%); 90 TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 9,87%); 6 TCCSĐ yếu kém (chiếm 0,66%). Về đánh giá chất lượng đảng viên, có 4.374/44.882 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 9,75%); có 35.156/44.882 hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 78,3%); 5.114/44.882 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 11,8%)...
Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy có nhiều đổi mới, chú trọng hướng về cơ sở, sâu sát với thực tiễn, đề cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, để kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh. Từ sự đổi mới trong công tác lãnh đạo đó, các cấp ủy đã từng bước tiếp thu, đổi mới cách làm và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín cho biết: Việc ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và người đứng đầu huyện, thành phố với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện chức trách, nhiệm vụ cũng là một bước đổi mới quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, nhằm tạo sự quyết tâm, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Qua việc ký cam kết này, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đã được đổi mới theo hướng phân định rõ ràng về trách nhiệm, tránh việc bao biện làm thay hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Bên cạnh đó, việc tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ cũng được Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ theo đúng tinh thần nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong quá trình thực hiện. Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp phải đề ra những giải pháp cụ thể, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong chỉ đạo thực hiện.
 
Trong kiểm điểm, tự phê bình, cấp trên và người đứng đầu phải gương mẫu, tự giác kiểm điểm, để cấp dưới học tập, làm theo. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cũng phải thực hiện tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất, để tiếp nhận thông tin và xử lý những kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Đối với những nơi thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả thấp, hoặc có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì cấp trên gợi ý nội dung, trực tiếp dự, chỉ đạo kiểm điểm sâu ở các cuộc họp chi bộ, cấp ủy thường kỳ hoặc kiểm điểm cuối năm; tập thể, cá nhân được gợi ý kiểm điểm phải giải trình bằng văn bản. Sau kiểm điểm, từng tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của cấp dưới và cán bộ, đảng viên.

Những kết quả đạt được nêu trên sẽ là tiền đề để Tỉnh ủy tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp trong công tác xây dựng Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của đảng bộ trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng -an ninh ở địa phương.


Bài, ảnh: THANH THUẬN

 


.