Nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành thanh tra

08:08, 09/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành thanh tra tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. Đây là cơ sở để ngành thanh tra xây dựng và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành thanh tra.

TIN LIÊN QUAN

Coi trọng yếu tố con người

Theo Chánh Thanh tra tỉnh Lữ Ngọc Bình, đề án đã thể hiện vấn đề cốt lõi có tính quyết định đến sự thành công hay không thành công của đề án không phải ở chỗ nguồn lực đầu tư vật chất cho ngành thanh tra, mà cốt lõi nhất là yếu tố con người. Đó là nhận thức đúng về công tác thanh tra của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, của các cơ quan có trách nhiệm, cũng như chính đội ngũ công chức đang làm nhiệm vụ thanh tra.

 Chánh Thanh tra tỉnh Lữ Ngọc Bình (thứ ba từ phải sang) tiếp công dân định kỳ của UBND tỉnh.
Chánh Thanh tra tỉnh Lữ Ngọc Bình (thứ ba từ phải sang) tiếp công dân định kỳ của UBND tỉnh.


Theo quy định của Luật Thanh tra, thì thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước là người chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra và xử lý kết quả thanh tra. Cơ quan thanh tra không thể mạnh, nếu thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước hiểu không đúng về chức năng thanh tra, không quan tâm, sâu sát, không tin tưởng, không sử dụng kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra vào việc quản lý, điều hành của mình. Do đó, Ban Thường vụ cấp ủy và bí thư cấp ủy các cấp nên quan tâm và xem xét giải quyết kịp thời nếu phát hiện có dấu hiệu không bình thường, thiếu tích cực trong quan hệ giữa người đứng đầu các cơ quan quản lý với cơ quan thanh tra, nhằm phát huy hiệu quả quản lý.

 Cơ quan thanh tra và người đứng đầu các cơ quan thanh tra cần xác định rõ vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu tổng hợp cho thủ trưởng cùng cấp, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đến đâu thì trách nhiệm, phạm vi thanh tra đến đó, thanh tra cả trước, trong và sau khi có quyết định quản lý; thanh tra phải vươn lên tầm dự báo, khuyến nghị rủi ro cho người quản lý.

Tình hình tham nhũng, tiêu cực còn đang diễn biến phức tạp, chưa được đẩy lùi thì yếu tố  bản lĩnh của người làm nhiệm vụ thanh tra đang bị thử thách lớn. Làm thanh tra mà không có bản lĩnh đấu tranh với tiêu cực, suy thoái thì chắc chắn không thể vươn lên tầm chủ động. Đây là một trong những nội dung mà đề án đặt ra về giáo dục, rèn luyện bản lĩnh cho cán bộ làm thanh tra. Các cơ quan thanh tra phải đoàn kết, phát huy sức mạnh đoàn kết trong tổ chức thực thi nhiệm vụ thanh tra.

 Ông Lữ Ngọc Bình cho rằng, chiến lược phát triển ngành thanh tra đã định hướng rất rõ là, cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra ngày càng phải đi vào tính chuyên nghiệp, cơ quan thanh tra phải có cán bộ giỏi chuyên môn. Đạo đức là gốc, quan điểm chính trị phải rõ ràng, vững vàng là yêu cầu tất yếu của cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, nhưng nếu không có chuyên môn, không chuyên nghiệp thì không thể chỉ ra cái đúng, cái sai, cái tốt, cái chưa tốt của đối tượng thanh tra thì thanh tra sẽ phản tác dụng.

Đề án tập trung giải quyết vấn đề này trên tinh thần yêu cầu công chức tự học, tự nâng cao trình độ, gắn liền với việc cơ quan, tổ chức chú trọng bố trí đi đào tạo ở các trường lớp. Thành viên của các đoàn thanh tra phải có chuyên môn phối hợp với nhau, đủ điều kiện hoàn thành nội dung thanh tra; đẩy mạnh việc trưng cầu, tham vấn ý kiến chuyên môn trước khi kết luận những nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau.

Chú trọng chất lượng thanh tra

 Theo đề án, công tác thanh tra không chạy theo số lượng, mà phải theo tinh thần nâng cao chất lượng; việc nào đã thanh tra thì phải làm rõ đến nơi, đến chốn, xử lý triệt để theo chính sách, pháp luật, thanh tra điển hình để phòng ngừa chung; giảm tối đa việc chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra; thanh tra tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động bình thường của đối tượng được thanh tra. Để làm tốt nội dung này, đề án yêu cầu chú trọng làm tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra, giao trách nhiệm cho Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp xử lý chồng chéo, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch; nhất là kiểm soát các kết luận thanh tra.

 Các cơ quan thanh tra phải chú trọng việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ, toàn diện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; chủ động phối hợp tốt với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng cùng cấp trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm đảng viên có vi phạm, đảm bảo yêu cầu đồng bộ giữa xử lý kỷ luật chính quyền với kỷ luật Đảng; phối hợp tốt với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để xem xét xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu tội phạm; phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng giám sát của Nhà nước và giám sát của xã hội.

Đặc biệt là Thanh tra phải phối hợp với thiết chế giám sát của nhân dân ở cơ sở thông qua Ban Thanh tra nhân dân và các ban giám sát đầu tư của cộng đồng, để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị ngay từ cơ sở.
 

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.