Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

10:06, 21/06/2017
.

Sáng 21/6, Quốc hội họp phiên toàn thể cuối cùng của kỳ họp thứ 3, Khoá XIV. Với 93,69% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

 

 Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Một trong những quy định được nhiều đại biểu tranh luận tại phiên thảo luận trước đây là đấu giá biển số xe, UBTVQH giải trình, tiếp thu như sau:

Kho số của Nhà nước gồm nhiều loại khác nhau và được khai thác bằng các hình thức khác nhau để phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu quản lý của từng loại kho số (số xe, tàu, thuyền, máy bay, căn cước công dân, hộ chiếu, ...) và bảo đảm phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ.

Mặt khác, kho số phục vụ quản lý Nhà nước là một loại tài nguyên. Việc quản lý, sử dụng phải bảo đảm phù hợp với nguyên tắc chung quy định tại Điều 6 và quy định về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên tại Mục 2 Chương VII của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc khai thác từng loại kho số phục vụ quản lý Nhà nước để bảo đảm các yêu cầu nêu trên.

Riêng đối với biển số xe, việc đấu giá (nếu có) không được làm ảnh hưởng tới việc quản lý Nhà nước đối với phương tiện giao thông, vì mỗi biển số được cấp gắn với một phương tiện giao thông; người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp. Do vậy, không mâu thuẫn với Khoản 22 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ.

Việc giám sát cộng đồng đối với tài sản công cũng được nhiều đại biểu góp ý.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định về nội dung, hình thức giám sát của MTTQ thông qua thông tin, kiến nghị của nhân dân còn chung chung, khó khả thi trong thực tiễn do cơ cấu bộ máy và đội ngũ cán bộ mặt trận ở các cấp như hiện nay rất khó thực hiện việc giám sát về những nội dung được giao trong Luật này. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung giám sát cộng đồng về việc chuyển đổi công năng tài sản công.

Về quy định này, UBTVQH cho rằng, việc quy định MTTQ chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công như dự thảo Luật là phù hợp với Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam. Việc triển khai giám sát cụ thể do MTTQ các cấp quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã bổ sung nội dung giám sát cộng đồng về việc chuyển đổi công năng tài sản công vào Điểm b Khoản 3 Điều 9 của dự thảo Luật.

Đối với các hành vi bị cấm, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước sửa đổi cũng đã quy định việc cấm “sử dụng tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức, bổ sung các hành vi chiếm giữ, huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng, sử dụng tài sản công gây lãng phí”.

Đặc biệt, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần xử lý cả hành vi tiếp nhận sử dụng ô tô, tài sản do biếu, tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ. Ý kiến khác đề nghị không cấm việc tiếp nhận tài sản, mà cần quy định cơ chế tiếp nhận tài sản tập trung tại một đầu mối do một cơ quan quản lý thống nhất, sau đó sắp xếp, phân bổ tài sản biếu, tặng, cho bảo đảm đúng tiêu chuẩn định mức, chế độ.

Đối với vấn đề này, UBTVQH xin giải trình: Hiện nay, hằng năm Chính phủ Việt Nam đang tiếp nhận nhiều tài sản từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dưới hình thức trao tặng, ủng hộ, viện trợ, như hệ thống nước sạch nông thôn, ô tô chuyên dụng, thiết bị y tế, thuốc men, thiết bị giáo dục… Việc nghiêm cấm hành vi nhận tài sản để tránh các tiêu cực trong việc nhận tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Luật này quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công, do đó, chỉ nghiêm cấm các hành vi sử dụng tài sản công (sau khi được xác lập quyền sở hữu toàn dân) không đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ và quy định những nguyên tắc để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, sử dụng. Việc quy định cụ thể về xác lập quyền sở hữu, lập phương án xử lý tài sản tặng, cho được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI và giao thẩm quyền quy định chi tiết cho Chính phủ tại Điểm đ Khoản 4 Điều 13.

Đối với quy định về xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quy định đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công gây thiệt hại cho Nhà nước phải bồi thường là khó thực hiện, cần quy định rõ trách nhiệm lỗi cố ý, lỗi vô ý và có lỗi hay không có lỗi.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các nội dung trên. Theo đó chỉ quy định các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Việc xác định mức độ thiệt hại và lỗi của cơ quan, cá nhân gây thiệt hại tài sản công do cố ý hay vô ý và có lỗi hay không có lỗi sẽ được pháp luật chuyên ngành điều chỉnh. Nội dung này thể hiện tại Khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có 134 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
 

Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn

 


.