Giảm lượng, tăng chất

09:05, 10/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là mục tiêu của Đề án Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong cơ quan hành chính, sự nghiệp thuộc UBND huyện Đức Phổ (Đề án).

Giảm lượng

Xác định nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là công tác tổ chức và cán bộ còn bất cập; cơ cấu tổ chức bộ máy một số phòng, ban, đơn vị còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Vì vậy, dù đã thực hiện đổi mới, sắp xếp, nhưng thực tế chưa có sự thay đổi mạnh mẽ về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đến cuối năm 2016, Đức Phổ có 58 tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện. Số biên chế hành chính của huyện Đức Phổ là 87 người và 5 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68; biên chế sự nghiệp công lập 1.693 người...

Huyện Đức Phổ có 15 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn với tổng số cán bộ, công chức theo quy định là 351 biên chế. Trong đó, cán bộ, công chức đã tốt nghiệp đại học và trên đại học là 138 người (49%); cán bộ, công chức có độ tuổi từ 30-40 là 115 người (39%)...

Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đức Phổ Võ Ngọc Ký cho rằng, đội ngũ cán bộ dù đã được các cấp ủy đảng quan tâm đào tạo, trình độ và năng lực ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng “nhiều người làm một việc” khiến chất lượng, hiệu quả công tác hạn chế. Vì vậy, mục tiêu của Đề án là bố trí đúng và đủ số lượng chỉ tiêu ở các tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính. Đến năm 2020, Đức Phổ sẽ giảm 3 đơn vị sự nghiệp và 178 người (trong đó có 169 biên chế sự nghiệp công lập); thành lập mới 1 đơn vị.    
 
Tăng chất


Đến cuối tháng 1.2017, Đức Phổ đã giảm 42 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp công lập, chủ yếu là số người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố. Ông Võ Ngọc Ký cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay chính là tình trạng “vênh” cán bộ, công chức, viên chức giữa các đơn vị, phòng, ban. Điển hình như Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, công an xã và ban chỉ huy quân sự xã.

Đây là những đơn vị có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nhưng các chức danh phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phó công an xã và phó ban chỉ huy quân sự xã lại là cán bộ bán chuyên trách. Ngoài thiệt thòi về chế độ chính sách, các chức danh này cũng bị hạn chế về chức năng, quyền hạn, nên hiệu quả hoạt động không cao.

Trong khi đó, ở một xã loại 1, số người hoạt động không chuyên trách tương đương với cán bộ, công chức, viên chức xã, nên xảy ra tình trạng “nhiều người cùng làm một việc”, kéo theo hiệu quả hoạt động thấp. Vì vậy, bên cạnh việc sắp xếp, đổi mới theo Đề án, huyện Đức Phổ cũng kiến nghị Trung ương, UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung 3 chức danh phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phó công an xã và phó ban chỉ huy quân sự xã thuộc diện công chức xã. Đồng thời tinh giản người hoạt động không chuyên trách theo hướng “giảm người, tăng việc” nhằm nâng cao hiệu quả.

Thanh Phong
 


.