Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Bài học về trách nhiệm với Đảng, với dân (Kỳ 3)

02:10, 29/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Thấm nhuần lời dạy đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn chú trọng đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn tình trạng chưa thật sự coi trọng lợi ích của dân, đề ra những quyết định nóng vội, duy ý chí, chủ quan, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng...

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 3: Phải đặt lợi ích của dân lên hàng đầu 

Tình trạng khiếu nại đông người ở tỉnh ta trong những năm gần đây đã xuất hiện và ngày càng gia tăng. Nhiều vụ việc có tính chất, mức độ khá gay gắt, để lại dư luận không tốt trong xã hội. Đây cũng là thách thức cho các cấp ủy, chính quyền...


Chưa vì lợi ích của dân

Cuối năm 2015 và đầu 2016, nhiều hộ dân ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) tập trung kéo đến các cơ quan chức năng của tỉnh, gây áp lực yêu cầu giải quyết thỏa đáng việc tranh chấp đất trồng rừng và một số vấn đề khác trên địa bàn. Xác định đây là "điểm nóng", Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, với tinh thần làm rõ sự thật, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, nếu có.
 
Lúc bấy giờ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích (nay là Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh), người đã nhiều lần trực tiếp đối thoại với nhóm hộ dân khiếu kiện cho rằng: "Việc người dân tụ tập đông người tại cơ quan nhà nước là sai. Song cái sai này bắt nguồn từ cán bộ, chính quyền xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành do trong quá trình thực hiện chính sách đất rừng thiếu minh bạch, có biểu hiện tư lợi, tạo cái cớ để kẻ xấu xúi giục khiếu nại...".

 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tiếp xúc, đối thoại với tiểu thương Chợ Đức Phổ.                        ảnh: NT
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tiếp xúc, đối thoại với tiểu thương Chợ Đức Phổ. ảnh: NT

Đúng vậy, trách nhiệm chính để xảy ra sai sót đó thuộc về HĐND, UBND xã Hành Dũng, Phòng Địa chính - NN&PTNT (nay là Phòng Địa chính), UBND huyện Nghĩa Hành giai đoạn 2001 - 2003... Trong đó, một số cán bộ có biểu hiện lợi dụng chính sách để làm lợi cho bản thân, gia đình bằng việc thu gom đất trồng rừng, trong khi người dân có nhu cầu lại không có đất sản xuất; thông đồng trong việc cấp 6 lô đất ở Soi Dâu...

Trước những sai phạm nghiêm trọng đó, một số cán bộ chủ chốt của xã bị cách chức, xử lý kỷ luật. Trong kết luận thanh tra vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng, chỉ đạo: Cán bộ, công chức là đảng viên đã nghỉ hưu, nhưng có sai phạm trước đó cũng phải xử lý kỷ luật. Với những cán bộ có khuyết điểm, tuy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật cách chức, nhưng mất uy tín trong nhân dân thì được điều chuyển công tác khác hoặc không cơ cấu lại... Nhờ sự vào cuộc tích cực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mà đến nay vụ việc này đã cơ bản được giải quyết.

Có thể nói rằng, đây là một vụ việc khá phức tạp, kéo dài gần 15 năm, có hàng chục cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật và là minh chứng cho việc mất dân chủ, coi thường dư luận, coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích tập thể, xem nhẹ lợi ích của dân. Nghiêm trọng hơn là tổ chức cơ sở đảng đã buông lỏng vai trò lãnh đạo, còn cấp ủy cấp trên thì thiếu kiểm tra, giám sát, để vụ việc kéo dài. Khi vụ việc trở thành "điểm nóng" thì lúng túng trong việc ổn định tư tưởng trong dân, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm...          

Qua hơn 4 năm triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh  ủy đã thực hiện 13 cuộc; Bí thư 14/14 huyện, thành ủy thực hiện 119 cuộc và 179 Bí thư cấp ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức được 915 lượt tiếp xúc đối thoại với nhân dân. Đã ban hành 1.047 thông báo, kết luận chỉ đạo giải quyết nhiều kiến nghị, bức xúc chính đáng của nhân dân, trong đó đã giải quyết khoảng 85% các ý kiến. Một số vụ việc bức xúc, kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đã được giải quyết thoả đáng; tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh LÊ VIẾT CHỮ.

Nhận lỗi với dân có gì phải ngại!

Đến bây giờ, nhắc đến vụ việc hàng trăm người dân xã Nghĩa An (nay trực thuộc TP.Quảng Ngãi) kéo lên UBND huyện Tư Nghĩa để phản ứng việc doanh nghiệp thông luồng cửa biển kết hợp khai thác cát nhiễm mặn xuất khẩu gây sạt lở, bồi lấp Cửa Đại cuối tháng 10.2013, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh rất tâm đắc với "cách vận động dân" của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng lúc bây giờ (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương).

Trong lúc "sức nóng" đã lên đỉnh điểm, nhưng đồng chí Võ Văn Thưởng chỉ trao đổi vỏn vẹn vài câu mà đã xoa dịu được dân: Bà con bình tĩnh và hãy quay về. Tôi nhận trách nhiệm khi để bà con bỏ công việc lên đây. Nếu chính quyền sai thì sẽ sửa ngay; nguyện  vọng của bà con chính đáng cũng sẽ được đáp ứng...”.

Nói là làm, ngày hôm sau, một cuộc đối thoại công khai giữa Bí thư Tỉnh uỷ với người dân xã Nghĩa An được tổ chức tại địa phương. Tại đây, sau khi nghe hết ý kiến của các bên liên quan, đồng chí Võ Văn Thưởng thay mặt lãnh đạo tỉnh công khai xin lỗi dân; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương làm kè chống sạt lở, hỗ trợ cho dân, tùy theo mức độ thiệt hại...

Sau này chia sẻ với báo chí, đồng chí Võ Văn Thưởng, nói: “Chính quyền có điều gì đó chưa phải thì dân mới làm thế, nên việc xin lỗi dân có gì phải ngại chứ!” Chủ tàu cá Lê Văn Trọng (41 tuổi), ở thôn Phổ An thì bộc bạch: “Sau đối thoại, chính quyền bắt tay ngay vào việc thông luồng Cửa Đại, xây kè và cam kết thời gian hoàn thành, nên chúng tôi rất vui và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ".

Phải khẳng định rằng, việc cho doanh nghiệp thông luồng, kết hợp khai thác cát nhiễm mặn xuất khẩu, đầu tư xây dựng kè chống sạt lở khu vực Cửa Đại là chủ trương đúng, cần thiết. Song trong quá trình triển khai do thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng, sự chủ quan và chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh và sự tác động của yếu tố khách quan (thời tiết) nên mới xảy ra sự cố đáng tiếc này. Tuy nhiên, vụ việc này cũng để lại nhiều bài học quý cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh về tinh thần trách nhiệm với Đảng, với dân; về công tác dân vận; việc đề ra các chủ trương, quyết sách cho đầu tư phát triển cũng phải hết sức thận trọng...

Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An Trần Ngọc Xôn, chia sẻ: Từ nay về sau, bài học: "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh" mà Bác Hồ căn dặn sẽ được quán triệt thường xuyên cho cán bộ, đảng viên. Để làm được điều đó thì phải gần dân, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân. Đối thoại và kiên quyết xử lý những phát sinh ngay từ cơ sở, không để hình thành điểm nóng.

Đối thoại để tìm tiếng nói chung

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ cho rằng, việc Bí thư cấp uỷ tiếp xúc, đối thoại với nhân dân đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực; giúp người đứng đầu cấp ủy gần dân, nghe được nhiều ý kiến của dân, giải quyết kịp thời những bức xúc của dân; tạo sự đồng thuận trong xã hội; củng cố, nâng cao niềm tin của dân đối với Đảng... Trong vụ việc một số tiểu thương chợ Đức Phổ không đồng tình di chuyển chợ đã khiếu kiện, tập trung đông người diễn ra trong suốt thời gian dài, nhưng tỉnh và huyện đã kiên trì tổ chức hơn 10 cuộc đối thoại, giải quyết và hỗ trợ thỏa đáng những lợi ích cho tiểu thương.

Hiện nay, việc di chuyển chợ đã cơ bản xong, với hơn 520 tiểu thương kinh doanh, buôn bán (420 hộ tiểu thương chuyển từ chợ cũ sang và 100 tiểu thương kinh doanh mới). Tiểu thương Đỗ Thị Tuyền, phấn khởi nói: “Điều kiện kinh doanh ở chợ mới rất thuận lợi, đông người đến mua bán hàng hóa, không như lo lắng ban đầu của chúng tôi”.


Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em, đúc kết bài học kinh nghiệm: Mọi việc vì dân, lắng nghe dân và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.


P.ĐỨC-P.LÝ-NG.TRIỀU

 


.