Mọi hoạt động trong khu vực Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế

07:09, 22/09/2016
.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 22-9 tại Hà Nội, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời phóng viên về các vấn đề báo chí quan tâm.

 

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình thông tin cho báo chí chiều ngày 22/9.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình thông tin cho báo chí chiều ngày 22/9.
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuyên bố Lực lượng Phòng vệ Hàng hải nước này sẽ tăng cường tuần tra chung với hải quân Mỹ trên Biển Đông, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động của các bên phải có đóng góp tích cực, phải xây dựng và duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực biển Đông. Khu vực Biển Đông là tuyến đường biển huyết mạch của khu vực cũng như trên thế giới. Vì vậy, các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích cũng như có trách nhiệm trong việc duy trì hoà bình, ổn định tại đây”. 
 
Trước đề nghị xác minh thông tin và cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin Đài Loan (Trung Quốc) âm thầm xây dựng một số cơ sở trên đảo Ba Bình thuộc chủ quyền của Việt Nam, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: "Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin này, tuy nhiên Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Vì vậy, việc phía Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đóng và tiến hành các hoạt động tại khu vực này là hoàn toàn phi pháp và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, Việt Nam kiên quyết phản đối. Khi nào có những bằng chứng xác thực từ các cơ quan chức năng trong nước, Việt Nam sẽ có những bước đi phù hợp". 
 
Thông tin về quan điểm và bình luận của Việt Nam đối với việc vừa qua Trung Quốc và Nga tập trận trên biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: "Là quốc gia ven biển và cũng là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Việc Nam cho rằng mọi hoạt động - bao gồm cả các hoạt động quân sự tại khu vực biển Đông - cần phải tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Việt Nam cũng mong tất cả các nước đóng góp tích cực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông cũng như châu Á - Thái Bình Dương". 
 
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung Quốc ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ trương giải quyết mọi tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình, bao gồm cả các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, đề cao sự tôn trọng, nguyên tắc thượng tôn pháp luật đối với các vùng biển và đại dương". 
 
Nêu quan điểm về việc một số tạp chí của Nhật Bản đưa tin cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia trở thành mục tiêu bị kì thị, thậm chí bị tấn công, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Chủ trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài là luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho đồng bào làm ăn, sinh sống và đồng thời hoà nhập tốt vào cộng đồng sở tại. Đối với đồng bào Việt Nam tại Campuchia, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với phía Campuchia để đảm bảo cuộc sống, các điều kiện sinh sống và làm ăn thuận lợi cho bà con. Việt Nam cũng mong muốn rằng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của Campuchia quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia để bà con sinh sống và làm ăn ổn định". 
 
Liên quan tới vụ chạy trốn của đối tượng Trịnh Xuân Thanh, với giả thiết Việt Nam có nghi phạm bị bắt giữ tại quốc gia chưa kí hiệp định về dẫn độ, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: "Hiện các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam đang phối hợp với nhau và với cơ quan chức năng có liên quan của quốc tế để giải quyết vấn đề này". 
 
Trước yêu cầu bình luận về thông tin do Reuters và Bloomberg cho biết trong kì họp này Quốc hội Việt Nam sẽ chưa bỏ phiếu thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: "Việt Nam hiện nay đang dành ưu tiên cao cho việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế pháp lý, đồng thời nỗ lực hoàn tất lộ trình sửa đổi, bổ sung xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm thực thi đầy đủ và hiệu quả các cam kết của mình trong TPP".
 
Theo Hà Nội mới
 

.