Ân tình với Bác

12:09, 03/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã 71 năm rồi, kể từ cái Tết độc lập đầu tiên của đất nước và tròn 47 năm ngày Bác đi xa, nhưng trong trái tim mỗi người con đất Việt, vẫn quay quắt nhớ thương Người. Ân tình với Bác được thể hiện khắp mọi miền Tổ quốc. Ở Quảng Ngãi, từ người dân bình thường cho đến những người đã từng gặp Bác, đều thể hiện tấm lòng hiếu kính bằng tình cảm thiêng liêng và niềm tự hào sâu sắc... Tưởng nhớ đến Bác, cũng chính là để học và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong cuộc sống.

Cách đây gần chục năm, ở cái thôn nghèo nhất xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) là thôn Trà Bình đã phát động phong trào treo ảnh Bác và khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong nhà. Ông Phạm Văn Hiền – Trưởng thôn cho biết: Mục đích của việc này là giúp người dân ghi nhớ công lao của Bác, học theo Bác trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình, chăm lo học hành cho con em...

Bác Hồ trao đổi công việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.                                                                                                         Ảnh:  tư liệu
Bác Hồ trao đổi công việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: tư liệu

Lúc bấy giờ, đời sống của người dân trong thôn nghèo lắm, nhiều gia đình đi làm ăn xa không quan tâm đến con em, nên có nhiều học sinh bỏ học. Lúc phát động có khoảng 50 hộ ở KDC Gò Mít tham gia, còn bây giờ tất cả các KDC với 528/528 hộ đều treo ảnh Bác và khẩu hiệu. Khi treo ảnh Bác giữa nhà, mọi người đều thấy sự trang trọng và ý nghĩa.

Nhìn hình ảnh Bác Hồ, ai ai cũng cảm thấy mình phải có trách nhiệm sống đẹp hơn, tốt hơn, cũng như làm việc chăm chỉ hơn. Hiện nay, hộ khá giả trong thôn chiếm đến 60%; hộ nghèo còn rất ít. Riêng bản thân tôi thấy, việc treo ảnh Bác trong nhà giúp các thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về một phần quá khứ hào hùng của dân tộc, cũng như những công lao to lớn mà các bậc tiền nhân đi trước đã gây dựng cho chúng ta ngày hôm nay. Từ đó, thế hệ trẻ chăm lo học hành hơn, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước

Thôn Trà Bình bây giờ không còn hiện diện của cái đói, cái nghèo; thay vào đó là những con đường bê tông thẳng tắp, làng quê đoàn kết, chan chứa niềm vui và ngày càng tươi sáng. Ông Nguyễn Duy Khánh – Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Trà cho biết, so với các thôn trong xã thì người dân Trà Bình có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú.

Bà con luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các cuộc vận động của địa phương. "Việc treo ảnh Bác Hồ và khẩu hiệu trong mỗi gia đình ở thôn thể hiện tinh thần yêu nước, một lòng trung thành với Đảng, với con đường mà Bác đã chọn. Phong trào này giờ đã lan rộng trong toàn xã.

Không chỉ ở thôn Trà Bình, từ nhiều năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh cũng phát động phong trào treo ảnh Bác. Việc treo ảnh Bác Hồ trong mỗi gia đình còn tiếp thêm sức mạnh, động lực để mỗi người dân quyết tâm vượt lên khó khăn, thoát nghèo bền vững.  Chị Đinh Thị Hường ở xã Long Sơn (Minh Long) tâm sự: Với tôi, hình ảnh Bác Hồ từ cuộc đời thực đã đi vào trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Minh Long.

Vào những đợt sinh hoạt đoàn thể, hay vào những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về Bác. Từ việc rất nhỏ là treo ảnh Bác trong nhà hoặc để ảnh Bác tại góc học tập của con em mình, đã có tác động rất lớn trong đời sống tinh thần, giúp chúng tôi suy nghĩ, nhận thức đúng đắn hơn trong cuộc sống”.

Để tỏ lòng tôn kính với Bác, hằng năm, cứ vào ngày 2.9, nhiều gia đình lại quây quần bên mâm cơm để cùng nhân dân cả nước ăn mừng Tết Độc lập và nhớ về Bác Hồ kính yêu như nhớ về một người cha. Trong bữa ăn, người ông, người bà kể cho con cháu nghe những câu chuyện về Bác Hồ. Đó là một cách họ dạy con, dạy cháu không cần sách vở, mà trong mỗi câu chuyện về Bác đã là một bài học sâu sắc để mọi người tự suy ngẫm.

Bốn lần vinh dự được gặp Bác khi là học sinh miền Nam trên đất Bắc, đối với bà Nguyễn Thị Thắng ở xã Trà Sơn (Trà Bồng)  thì đó là những câu chuyện, là những bài học giá trị, nhắc nhở bà  sống xứng đáng với tình cảm, sự quan tâm của vị lãnh tụ kính yêu dành cho lớp cán bộ trẻ thời ấy như bà.

“Bác mất mấy chục năm, nhưng lòng tôn kính Bác vẫn nguyên vẹn trong tôi. Mà không chỉ riêng tôi, đồng bào Cor trên quê hương khởi nghĩa Trà Bồng này đều treo ảnh Bác ở vị trí trang trọng trong nhà, để gửi gắm tấm lòng hiếu kính đối với Người. Nó còn có ý nghĩa răn mình và răn dạy con cháu trong gia đình phải có những hành vi, cách ứng xử có văn hóa theo tấm gương đạo đức của Bác.

Cùng với cả nước, người dân Quảng Ngãi đang đón Tết Độc lập trong sự kỳ vọng và niềm tin về một nước Việt Nam lớn mạnh, hùng cường, “sánh vai cùng bè bạn năm châu” như Bác hằng mong muốn...

Thanh Thuận
 


.