"Việc gì có lợi cho dân thì phải làm"

02:10, 17/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính vì vậy, Bác căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân, thì phải hết sức tránh”.

TIN LIÊN QUAN

Suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Bởi vậy, trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của Người, tư tưởng vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh mà Người đã dày công xác lập.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân điển hình  học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.                                                                                                                    Ảnh: CTV
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV


Bằng tình cảm chứa chan tình yêu thương, Người viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.

Thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ, chính quyền tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp để xóa đói giảm nghèo bền vững, cùng với đó là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội…

Đáng mừng là, hội viên hội nông dân các cấp trong tỉnh đã phát huy phẩm chất cần cù, thể hiện rõ vai trò to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016 ở cơ sở. Hội viên nông dân đã phát huy vai trò, làm nòng cốt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi được vinh danh, khen thưởng ở các cấp.

Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 90.000 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi; gần 1.000ha diện tích canh tác có giá trị sau thu hoạch đạt từ 35-70 triệu đồng và hình thành được gần 500 trang trại. Cuộc vận động “Vì người nghèo” cũng thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, đơn vị. Qua đó, phát huy được tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong các tầng lớp nhân dân, làm ấm lòng hàng nghìn hộ nghèo trong tỉnh bằng trái tim nhân hậu, giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đến nay, tốc độ giảm nghèo của tỉnh tương đối nhanh; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hằng năm 6,33%.

Tuy vậy, theo đánh giá chung thì đa phần nông dân trong tỉnh vẫn còn nghèo và gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn chưa đến một cách nhanh chóng với nông dân, đời sống vật chất, tinh thần vẫn còn có khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị. Giá cả nông sản vẫn bấp bênh, nông dân luôn phải đối mặt với nghịch lý  “được mùa mất giá - được giá lại mất mùa” và câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì vẫn còn là một bài toán rất khó với người nông dân ở nhiều địa phương.

Do đó, làm thế nào để chăm lo tốt và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân theo lời Bác dặn, đặc biệt là giai cấp nông dân, tạo điều kiện để người dân thoát nghèo vẫn đang là một vấn đề lớn. Vì vậy, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên-những người đầy tớ trung thành của nhân dân cần phải có tâm huyết, trách nhiệm, luôn gần dân, sát dân, lắng nghe dân và kịp thời giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của dân.

Có như vậy mới xứng đáng vai trò nòng cốt, tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo để thực hiện mục tiêu không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là nông dân, người nghèo như lời Bác dặn trong bản Di chúc.

Bài, ảnh: Thanh Thuận
 


.