Quốc hội cần giám sát ODA để "soi" nhóm lợi ích

10:10, 31/10/2014
.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA, chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan…

Quốc hội và người dân gần như đứng ngoài

Đến nay ngoại trừ tỷ lệ nhỏ viện trợ không hoàn lại, phần nhiều là cho vay ưu đãi có điều kiện. Qua hơn 20 năm Việt Nam thu hút khoảng 78 tỷ USD, bình quân 3 tỷ USD/năm. Chính phủ đã rất nỗ lực và kết quả nguồn vốn này đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều chương trình, dự án đạt chất lượng tốt.

Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đoàn đại biểu Thái Nguyên), thực tế sử dụng nguồn vốn ODA phát sinh nhiều bất cập, thậm chí vi phạm và tội phạm. Thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với nhà tài trợ, điển hình như vụ PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ; vụ JTC đường sắt… Đáng chú ý, tuy có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát, nhưng những vụ vi phạm lớn lại chỉ được phát hiện do phía nước ngoài.

“Hoanh nghênh việc xử lý khẩn trương của Bộ trưởng Bộ Công an, Giao thông, Viện Kiểm sát tối cao về vụ JTC đường sắt vừa qua. Đây cũng là minh chứng cho quan điểm, thái độ nghiêm túc của Nhà nước Việt Nam trong xử lý những sai phạm về ODA”, đại biểu nhấn mạnh.

 

Phân tích về hành lang pháp lý, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng ODA chủ yếu chịu điều chỉnh từ Nghị định 38 của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng hướng dẫn các bộ ngành, địa phương và quy định của nhà tài trợ. Các quy định này còn phức tạp, phân tán, hiệu lực pháp lý thấp. Việc đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm trong Nghị định 38 mới chỉ mang tính nguyên tắc mà chưa cụ thể hóa vào quy trình ODA, dẫn đến chưa ngăn chặn được tình trạng xin-cho, cò dự án, tiêu cực, tham nhũng.

“Đáng lưu ý, pháp lý về ODA bộc lộ 2 điểm yếu cơ bản nhất: Quốc hội - người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và Người dân - chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình ODA”, đại biểu phân tích.

Đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành Luật quản lý sử dụng ODA, theo đó chú trọng quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, công khai minh bạch toàn bộ số vốn, công khai các dự án, quy trình phân bổ, buộc phản biện độc lập trước khi quyết định về trách nhiệm của Quốc hội, về quyền của người dân, mặt trận và hiệp hội chuyên ngành trong quá trình quyết định và thực thi ODA.

ODA cũng là một phần của đầu tư công và nợ công, có tác động đến vị thế và uy tín quốc gia, nhưng theo đại biểu Lê Thị Nga, những năm qua, cả về pháp lý cũng như thực tiễn, trách nhiệm giám sát của Quốc hội về ODA đã chưa được coi trọng. Thực tế là 20 năm qua, mặc dù xảy ra không ít vụ gây chấn động dư luận nhưng Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Với tư cách là các cơ quan của Quốc hội phụ trách về kinh tế, ngân sách nhưng Ủy ban kinh tế và Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng chưa lần nào giám sát chuyên đề này.

Đại biểu cho biết “vào năm 1999 và năm 2003, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có 2 lần giám sát. Năm 2006 khi xảy ra vụ PMU 18, Ủy ban Đối ngoại một lần nữa báo cáo lại các kiến nghị giám sát của lần trước. Đáng tiếc những kiến nghị rất đúng đắn này cho đến nay vẫn chưa được tiếp thu đầy đủ”.

Cho rằng đây là một nguyên nhân không nhỏ làm cho những bất cập, sai phạm trong sử dụng ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Quốc Hội tiến hành giám sát ODA, chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan ở cả trong nước và nước tài trợ; phân tích mặt lợi và bất lợi của ODA. Từ đó đề xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần, tiến đến chấm dứt ODA vì bất cứ quốc gia nào, nếu phụ thuộc lâu dài vào ODA thì đó là thất bại của chiến lược phát triển.

Về lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng, đảm bảo hiệu quả tiền vay nhưng điều 7 Nghị định 38 quy định quá rộng, ưu tiên hầu hết các lĩnh vực kinh tế- xã hội và còn có quy định quét rất tùy nghi tại điều 9 là “một số lĩnh vực khác”. Quy định này dẫn đến thực tế phân bổ ODA dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, không tập trung được cao cho lĩnh vực mang tính đầu tầu và dẫn đường; đồng thời cũng không kích thích được nội lực, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại không nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn khác.

Cần nhận thức đúng về ODA

Đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh cần nhận thức đúng về ODA, không coi thường khuyến cáo của chuyên gia vì sau khi Việt Nam thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp thì ưu đãi giảm đi, điều kiện vay và trả nợ khắc nghiệt hơn. Nếu lạm dụng ODA thì sẽ để lại nhiều hệ lụy.

“Bộ trưởng Bùi Quang Vinh- người giúp Chính phủ làm đầu mối về ODA đã từng rất bức xúc: “Tôi dám chắc có một tỉ lệ không nhỏ cán bộ và người dân, đặc biệt là lãnh đạo địa phương hiểu một cách rất sơ đẳng rằng ODA là cho không, vay được càng nhiều càng tốt, bất chấp thời gian trả nợ”. Đây là thực tế rất đáng lo ngại”, đại biểu Lê Thị Nga nói.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, về chủ quan, do năng lực quản trị khu vực công của chúng ta còn hạn chế, chưa kiểm soát được thất thoát, lãng phí, tham nhũng nên đã góp phần làm cho một số dự án mặc dù vay giá rẻ nhưng đã trở nên vô cùng tác động.

Cùng với xu hướng thích dùng ODA gắn với lịch ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích ở một số nơi đã và đang khiến công trình ODA xuất hiện rất nhiều nhưng một số công trình thì chất lượng hiệu quả thấp; suất đầu tư đội lên quá cao so với các nước.

Kinh nghiệm thành công của Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan cho thấy: Tiền vay được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả; hạ tầng khi được xây dựng chất lượng rất tốt, được quy hoạch với tầm nhìn dài hạn chứ không phải ngay lập tức hay thời gian ngắn đã phải làm lại, cải tiến, mở rộng. Sử dụng có chọn lựa khi Chính phủ các nước này chỉ vay tiền đầu tư vào hạ tầng thiết yếu để phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chú trọng đầu tư hướng tới khu vực tư nhân, khu vực xuất khẩu, vừa kích thích cạnh tranh và nhất là có ngoại tệ để trả nợ; không vay đầu tư vào những dự án nhỏ lẻ, càng không vay để theo đuổi những siêu dự án trong khi các dự án đảm bảo hạ tầng thiết yếu trong nước còn chưa đủ.

Các nước trên cũng đặt kế hoạch chấm dứt nhận ODA trong một tương lai không xa. “Thực tế Hàn Quốc từng nhận ODA qua 20 năm và hoàn toàn “tốt nghiệp” ODA sau 30 năm. Có ý thức “tốt nghiệp” ODA thì mới luôn quan tâm đến việc hạn chế và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này”, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh./.

 

Ngọc Thành- Thanh Hà/VOV.VN

 


.