Phụ nữ thôn An Châu làm theo Bác

08:10, 23/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về tinh thần tiết kiệm, những lúc bán ve chai, hay bán đàn heo, con bò… chị em phụ nữ thôn An Châu, xã Bình Thới (Bình Sơn) đều trích tiền để nuôi heo đất, giúp đỡ phụ nữ nghèo.

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện việc học tập và làm theo Bác, Chi hội phụ nữ thôn An Châu đã đăng ký làm theo Bác thông qua mô hình nuôi heo đất. Chị Huỳnh Thị Bình-Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn An Châu cho biết, mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Thôn hiện có hơn 600 hội viên phụ nữ, phân thành 4 tổ thực hiện mô hình nuôi heo đất. Từ việc làm này, trung bình mỗi tổ tiết kiệm được trên 1,5 triệu đồng/tháng. Mỗi năm chị em phụ nữ trong thôn tiết kiệm được 70 triệu đồng. Số tiền này được dùng để hỗ trợ cho những chị gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.

 

Phụ nữ thôn An Châu tích cực nuôi heo đất để giúp đỡ phụ nữ nghèo.
Phụ nữ thôn An Châu tích cực nuôi heo đất để giúp đỡ phụ nữ nghèo.


Chị Nguyễn Thị Reo-Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thới, phấn khởi nói: “Từ mô hình nuôi heo đất, chị em phụ nữ thôn An Châu ngày càng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia sinh hoạt hội, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương”. Để hội viên noi theo, chị Reo đã tiên phong trong việc nuôi heo đất. Chỉ tay về phía tường rào cổng ngõ của gia đình vừa mới xây xong, chị Reo cười nói: “Nhờ nuôi heo đất nên mới xây tường rào cổng ngõ khang trang thế này đấy”.

Nhiều hội viên phụ nữ ở thôn An Châu vừa nuôi heo đất để giúp đỡ phụ nữ nghèo trong thôn, vừa để tiết kiệm cho gia đình. “Mình phải học Bác từ những việc làm nhỏ nhất. Nói là heo đất chứ kỳ thực là heo nhựa. Mình không mua heo đất mà chỉ dùng heo nhựa vì sử dụng được lâu, đó cũng là tiết kiệm”, chị Reo bộc bạch.

Chị Trương Thị Nuôi là người được giúp đỡ từ nguồn chị em phụ nữ nuôi heo đất, xúc động nói: “Nhờ nguồn tiền hỗ trợ này mà gia đình tôi vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Tôi cũng sẽ tích cực nuôi heo đất để tiết kiệm và giúp đỡ chị em trong lúc ngặt nghèo”.  Không chỉ có chị Nuôi, mà còn nhiều hoàn cảnh khó khăn khác cũng được giúp đỡ kịp thời từ nguồn tiền nuôi heo đất như chị Trần Thị Tuyết, Dương Thị Thái…

Việc làm của phụ nữ thôn An Châu thông qua mô hình nuôi heo đất mang giá trị nhân văn sâu sắc, giúp cho tình làng nghĩa xóm ngày một gắn kết. Cùng với việc triển khai mô hình nuôi heo đất, Chi hội phụ nữ thôn An Châu còn tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với hội viên phụ nữ. Các phong trào thi đua của hội phụ nữ được triển khai thực hiện có hiệu quả, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Chi hội phụ nữ thôn An Châu vinh dự được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen vì đã đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG
 


.