Bộ Chính trị cho ý kiến về sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 6

09:09, 13/09/2014
.

Thông qua quá trình triển khai, nhận thức về mục tiêu, đặc trưng và cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã rõ hơn.

Ngày 12/9, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp cho ý kiến về việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.

Trong thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) “Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng Ban đã chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai sơ kết Nghị quyết, tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại 7 địa phương, 9 bộ, ngành, 25 tập đoàn, tổng công ty và nhiều cơ quan đơn vị.
 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X): thông qua quá trình triển khai, nhận thức về mục tiêu, đặc trưng và cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã rõ hơn.

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện, bước đầu tạo khung khổ pháp lý quan trọng cho sự vận hành của nền kinh tế. Vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên. Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức sản xuất của xã hội, tạo nhiều việc làm mới. Pháp luật về giá tiếp tục được hoàn thiện, hầu hết các loại giá cả cơ bản đã vận hành theo nguyên tắc thị trường. Đã dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển tương đối đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng, gắn kết hài hòa hơn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Nhà nước điều tiết thị trường chủ yếu bằng các công cụ pháp luật và kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng hơn theo nguyên tắc, chuẩn mực của thị trường toàn cầu, trên nhiều cấp độ, nhất là trong xây dựng các đối tác chiến lược về kinh tế nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) cũng còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém như hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chất lượng chưa cao; chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược. Kết quả triển khai, thực thi thể chế kinh tế thị trường còn chưa có đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển. Doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện đầy đủ vai trò nòng cốt trên thực tế. Sự phát triển về quy mô, cơ cấu, trình độ các loại thị trường như thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường khoa học – công nghệ vẫn còn nhiều bất cập. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; vẫn còn tình trạng bao cấp, xin – cho trong xây dựng và thực hiện một số cơ chế, chính sách. Trình độ quản trị quốc gia về phát triển kinh tế còn thấp. Hội nhập kinh tế quốc tế còn chưa phát huy tốt nhất các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Việc tự do hóa thương mại, đầu tư một số thị trường, lĩnh vực chưa sát hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế.

Bộ Chính trị đã thảo luận, phân tích, đánh giá về những kết quả; hạn chế và nguyên nhân được nêu trong báo cáo của Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X); góp thêm những ý kiến về chủ trương và giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.


Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) là đề xuất những vấn đề mới để trình xin ý kiến Trung ương, đồng thời góp phần vào việc tổng kết 30 năm đổi mới và xây dựng Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng.

Việc đánh giá, kiểm điểm cần tập trung bám sát vào những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 6 như hoàn thiện thể chế về sở hữu; hoàn thiện thể chế về phân phối; hoàn thiện thể chế đảm bảo đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường; hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường; hoàn thiện thể chế nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của nhà nước về kinh tế, tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và của nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Những vấn đề đang bàn thì cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo để báo cáo Trung ương và trình Đại hội xem xét, quyết định.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần thấy rõ qua gần 30 năm đổi mới, nước ta tiếp tục chuyển đổi thành công từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đường lối đổi mới của Đảng được thể chế hóa trong Hiến pháp, luật pháp, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển. Chế độ sở hữu, cơ cấu thành phần kinh tế được đổi mới cơ bản từ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể là chủ yếu chuyển sang hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế. Các loại thị trường đã ra đời và hình thành, phát triển thống nhất trong cả nước. Cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước đã đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp, doanh nhân được tự chủ kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Quản lý nhà nước về kinh tế được đổi mới từ can thiệp trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh sang quản lý bằng luật pháp, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Việc gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cho rằng quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Khẳng định Nghị quyết 21 vẫn còn nguyên giá trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị trong báo cáo, phần nói về chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) cần lưu ý nhấn mạnh về những điểm mới, những điểm cần tiếp tục thúc đẩy, tháo gỡ để ngày càng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung vào tháo gỡ vướng mắc khó khăn, thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển, vấn đề xã hội có bước tiến mới. Ví dụ, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ, thị trường hàng hóa- dịch vụ- du lịch, khuyến khích các chủ thể liên kết với nhau, phát huy vai trò của thể chế chính trị, truyền thống văn hóa nhân văn của Việt Nam, vấn đề tiến bộ công bằng xã hội, vấn đề hành chính công, tài chính công; vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia của Mặt trận, các đoàn thể để thúc đẩy thực hiện tốt hơn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau cuộc họp này, Bộ Chính trị sẽ có Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Theo Vũ Duy/VOV

 


.