Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Chánh (1.8.1914 - 1.8.2014)
Bí thư Tỉnh ủy tài năng, vị tướng trong lòng dân

02:08, 01/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với trí thông minh và tài năng vốn có của mình, được sự lãnh đạo, bồi dưỡng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, đồng chí Nguyễn Chánh đã trở thành một nhà lãnh đạo toàn năng về chính trị, quân sự, một danh tướng có những đóng góp xuất sắc về lý luận và thực tiễn cho công cuộc kháng chiến chống Pháp nói riêng, trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa nói chung.

TIN LIÊN QUAN


Một lòng trung kiên với Đảng, Bác Hồ và dân tộc

Đồng chí Nguyễn Chánh tên khai sinh là Nguyễn Thiện, sinh ngày 1.8.1914 tại thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) - mảnh đất địa linh, nhân kiệt, một địa phương có truyền thống yêu nước và cách mạng. Xuất thân trong một gia đình nho học yêu nước và sớm chứng kiến ách đô hộ của thực dân phong kiến, được tiếp thu tinh thần yêu nước của các sĩ phu trong phong trào Cần Vương như Lê Trung Đình và lớp đàn anh Trương Quang Trọng, Nguyễn Nghiêm, đồng chí Nguyễn Chánh sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động khi mới 14 tuổi. Với tài năng bẩm sinh, cùng với tinh thần dũng cảm, kiên cường, một lòng trung kiên với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí được Đảng, Quân đội tin tưởng giao nhiều trọng trách: Năm 1939 khi mới 25 tuổi, đồng chí được cử giữ chức Bí thư  Tỉnh ủy Quảng Ngãi và được Xứ ủy chỉ định giữ chức Bí thư liên tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định- Phú Yên.

 Tháng 4.1945, đồng chí được Tỉnh ủy phân công giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, đồng chí được tín nhiệm bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khi 37 tuổi và được Đảng, Quân đội giao trọng trách: Bí thư Liên khu ủy 5, Bí thư Đảng ủy Quân sự Liên khu, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ (Bộ Quốc phòng). Suốt gần 30 năm hoạt động cách mạng, từ năm 1928 đến 1957, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn ác liệt,  lúc hoạt động bí mật cũng như sau này ra công khai, bị địch bắt giam, tù đày khổ sai, hay khi giữ  trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và các chức danh lãnh đạo của Liên khu uỷ 5, Bộ Quốc phòng, đồng chí vẫn son sắt một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, luôn tin tưởng vào sự toàn thắng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, cùng những công lao to lớn, tấm gương chiến đấu ngoan cường, anh dũng của đồng chí là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Ngãi, của các lực lượng vũ trang Quân khu 5.

Thông minh, quyết đoán, gần gũi với nhân dân

Khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi năm 1939 hay sau này vào năm 1945, đồng chí Nguyễn Chánh đều để lại những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, xây dựng phong trào cách mạng của tỉnh nhà. Trong thời điểm lịch sử quyết định vận mệnh của Tổ quốc, dân tộc, khi nghe tin quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, mặc dù chưa nhận được chỉ đạo của Trung ương, đồng chí Nguyễn Chánh tỏ rõ tài năng chính trị, quân sự kiêm toàn, nhanh nhạy chớp thời cơ, hành động kiên quyết và kịp thời, cùng tập thể Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 9 về Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả tỉnh vào chiều ngày 14.8.1945. Sau đó, đồng chí Nguyễn Chánh cùng các đồng chí Phạm Kiệt, Trương Quang Giao, Nguyễn Đôn trực tiếp lãnh đạo tiến hành Tổng khởi nghĩa tại các địa phương trong tỉnh, đến tối ngày 16.8.1945 đã giành thắng lợi to lớn. Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí Nguyễn Chánh lại tỏ rõ vai trò lãnh đạo tài năng của mình qua các việc như: Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo lương thực tại chỗ phục vụ cuộc kháng chiến, thành lập các trường học để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc; khắc phục nạn đói tại Liên khu 5 vào năm 1952. Cống hiến đầu tiên rất đặc sắc của đồng chí Nguyễn Chánh về công tác Đảng là đã chỉ đạo xây dựng, củng cố chi bộ Đảng đủ mạnh, đủ khả năng làm hạt nhân lãnh đạo. Vì vậy, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), mặc dù số lượng đảng viên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, của Liên khu 5 chưa nhiều nhưng đã đủ sức lãnh đạo quân và dân Nam Trung Bộ giành nhiều thắng lợi to lớn. Trong tâm trí của những đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, đảng viên và nhân dân, đồng chí Nguyễn Chánh là một Bí thư Tỉnh ủy có tầm nhìn rộng, thông minh, chỉ đạo sâu sát, cụ thể; gan dạ, mưu trí, kiên định trước kẻ thù, nhưng rất gần gũi, thương yêu, quý trọng đồng đội, cán bộ và nhân dân.

Vị tướng tài năng

Tháng 4.1945, với vai trò là Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ, đồng chí Nguyễn Chánh đã cùng các đồng chí Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt, Trần Quý Hai đưa Đội du kích Ba Tơ về đồng bằng để phát triển lực lượng, làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của tỉnh, góp phần đưa Đội du kích Ba Tơ trở thành nòng cốt cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công hoàn toàn ở Quảng Ngãi, trở thành lực lượng tiền thân của các lực lượng vũ trang Nam Trung Bộ và cũng đồng thời là một thành phần trong các lực lượng tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Nguyễn Chánh đã cùng tập thể lãnh đạo quân và dân Nam Trung Bộ đánh bại các cuộc tiến công của thực dân Pháp, giữ vững vùng tự do gồm gần 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, xây dựng Liên khu 5 thành một chiến trường thống nhất hoàn chỉnh, có thế trận vững chắc. Với vai trò Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5, Tướng Nguyễn Chánh đã có những quyết sách đúng đắn đó là: Ra sức xây dựng lực lượng vũ trang gồm có dân quân tự vệ và bộ đội địa phương một cách rộng khắp, bảo đảm đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi thứ vũ khí trong tay, bằng các cách đánh phù hợp; đồng thời cần xây dựng chủ lực đủ mạnh để có những quả đấm quyết định trên chiến trường.

Là Tư lệnh một chiến trường trọng yếu rộng lớn gồm 12 tỉnh Nam Trung Bộ, các tỉnh Hạ Lào và Đông - Bắc Campuchia, đồng thời là Tư lệnh các chiến dịch lớn ở Liên khu 5, đồng chí Nguyễn Chánh ra trận là đem đến niềm tin và chiến thắng. Tướng Nguyễn Chánh không chỉ giỏi về chiến lược, chiến dịch, mà còn là một nhà chiến thuật sắc bén, quyết đoán và linh hoạt. Đồng chí đã trực tiếp làm Chính ủy các chiến dịch, xử lý một cách quyết đoán các trận then chốt như Măng Đen, Đắc- đoa, Thượng An, Đắc-pơ... chỉ đạo giải phóng một phần quan trọng của vùng chiến lược Tây Nguyên  nối liền với vùng giải phóng Hạ Lào và Đông-Bắc Campuchia. Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Tướng Nguyễn Chánh đã thể hiện là người có chiều sâu về tri thức và có khả năng vận dụng sáng tạo những vấn đề rất cơ bản về khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân.

Đánh giá về Tướng Nguyễn Chánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Cuộc đời của một người mới 43 tuổi đã để lại một sự nghiệp như vậy, có thể nói là một cuộc đời thật đẹp: Cuộc đời của một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, một vị tướng có tài và một con người mẫu mực".

Ghi nhận những công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Chánh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã truy tặng các danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
      

THANH AN
 


.