84 năm truyền thống vẻ vang của ngành tuyên giáo

07:08, 01/08/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Cách đây 84 năm, ngày 1.8.1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1.8”- ngày đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc.

Từ đó, ngày 1.8 đã trở thành một mốc son lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá và đánh dấu một hoạt động có ý nghĩa  sâu sắc trong lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng.

Trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc đã xuất hiện hàng trăm tấm gương anh hùng, hàng ngàn cán bộ tuyên giáo của Đảng từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, cán bộ phóng viên các cơ quan báo chí, các nhà văn, nhà nhiếp ảnh, nhà quay phim, các đội viên đội thông tin lưu động, đội văn công, chiếu  bóng… đã hy sinh anh dũng vì lòng trung thành và nhiêm vụ cao cả của Đảng và nhân dân giao cho.

Công tác Tuyên giáo là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là một mặt trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
 

Đồng chí Phạm Thanh Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (đứng giữa) trao giấy chứng nhận cho học viên lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo xã, phường, thị trấn năm 2013. Ảnh: TL
Đồng chí Phạm Thanh Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (đứng giữa) trao giấy chứng nhận cho học viên lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo xã, phường, thị trấn năm 2013. Ảnh: TL

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi (trước đây là Ban Tuyên huấn) được thành lập giữa năm 1948. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã hoàn thành xuất sắc vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, mà trực tiếp là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Năm 1975, sau khi hòa bình thống nhất nước nhà, tỉnh ta được sáp nhập với Bình Định và Ban được mang tên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Nghĩa Bình, tiếp tục hoàn thành xuất sắc công tác tuyên huấn.

Đến tháng 7.1989, sau khi tái lập tỉnh Quảng Ngãi, Ban chỉ có 12 biên chế, trong đó có 6 cán bộ, 3 chuyên viên, 2 nhân viên và 1 đồng chí Trưởng ban, kiêm Giám đốc Trường Đảng tỉnh; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc rất thiếu thốn. Đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có trụ sở khang trang, đầy đủ các phương tiện làm việc. Có 30 cán bộ được phân bổ làm việc tại 5 phòng và 1 trung tâm thông tin công tác tuyên giáo. Có 28 cán bộ, công chức tốt nghiệp đại học, trong đó 20 đồng chí có 2 bằng đại học; có 4 cán bộ cao học; 19 cán bộ có trình độ cử nhân, cao cấp chính trị.

Trong suốt chặng đường xây dựng và củng cố, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của tỉnh không ngừng phát triển, ngày càng đông đảo và trưởng thành theo mỗi bước tiến của sự nghiệp cách mạng. Đội ngũ đó không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có năng lực, trình độ triển khai các lĩnh vực rất đa dạng và nhiều đặc thù của công tác tuyên giáo, từ giáo dục lý luận, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, báo chí, và các lĩnh vực khoa giáo, giáo dục, y tế, thể thao, môi trường, nắm tình hình dư luận xã hội, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan nhà nước, mặt trận, các hội, đoàn thể cùng cấp tham mưu Tỉnh ủy giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội…

Những năm gần đây, tình hình thế giới, trong nước và tỉnh ta diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường cả những thuận lợi và khó khăn, nhưng ngành tuyên giáo của tỉnh đã nắm vững đúng định hướng, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; bám sát thực tiễn đang diễn ra sôi động để kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện các lĩnh vực công tác đạt những kết quả to lớn.

Công tác chính trị tư tưởng được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu  kịp thời cho Tỉnh ủy, mà thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy định hướng công tác tư tưởng trong Đảng, trong xã hội, triển khai học tập các chỉ thị, kết luận, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy kịp thời, có hiệu quả.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã làm tốt trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh, nay là Bộ phận giúp việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai, quán triệt Chỉ thị số 03 ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị. Phát động toàn Đảng, tòan dân, toàn quân trong tỉnh tiếp tục thực hịên tốt vịêc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên; củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Công tác lý luận chính trị, tuyên truyền, khoa giáo có nhiều đổi mới và đạt hiệu quả ngày càng cao.

Nội dung, phương thức họat động của Ban Tuyên giáo từng bước được đổi mới, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo từ tỉnh đến huyện, cơ sở đều từng bước trưởng thành, ngày càng đáp ứng yêu cầu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thành tích to lớn mà các thế hệ cán bộ, công chức làm công tác tuyên giáo của tỉnh đạt được, đã được Nhà nước, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quí. Các binh chủng thuộc ngành Tuyên giáo của tỉnh càng ý thức được trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang trong thời gian đến.

Trong những năm tới, công tác tuyên giáo vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức do tác động phức tạp nhiều chiều của tình hình thế giới và trong nước. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị- xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia của các thế lực thù địch, nhất là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường.

Trước bối cảnh đó, mục tiêu nhiệm vụ của công tác tuyên giáo rất nặng nề, trước mắt là góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, bảo vệ, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước; nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, sự sắc bén và tính thuyết phục của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo.

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng và hiệu quả việc tiếp tục và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn chặt với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, sự  suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trước hết là trên lĩnh vực tư  tưởng văn hóa.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Tuyên giáo trên tất cả các lĩnh vực, từng bước đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Tạo sự đồng thuận về chính trị tư tưởng trong nhân dân, đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, tham gia định hướng, giải quyết những vấn đề bức xúc về tư tưởng, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới; đưa tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững, trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu, nghị quyết Đại hội XVIII đảng bộ tỉnh đề ra.

 

TRẦN TẤN CHÂU   
 


.