Kiên định những vấn đề thuộc về bản chất của chế độ, nguyên tắc của Đảng

11:08, 13/08/2013
.

*Võ Văn Hào


(QNg)- Trong thời gian gần đây, lợi dụng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai... trên các blog cá nhân, các trang mạng xã hội một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí trong và ngoài nước đã đưa ra những ý kiến, quan điểm lệch lạc, sai trái như: Đòi đổi tên nước, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi tư nhân hóa đất đai, đòi “phi chính trị hóa” các lực lượng vũ trang nhân dân… Đây là những vấn đề hệ trọng thuộc về bản chất của chế độ, nguyên tắc của Đảng cần phải được tiếp tục khẳng định. Quốc hiệu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Quốc hiệu là sự phản ánh chỉnh thể, bản chất của một chế độ chính trị-xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, nước ta đã có nhiều quốc hiệu khác nhau: Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Việt, Việt Nam... Quốc hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời sau năm 1975, trong bối cảnh Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tên gọi này là sự khẳng định một cách rõ ràng, dứt khoát mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta là xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, được Hiến pháp năm 1980 và năm 1992 ghi nhận và đang được đại đa số nhân dân tiếp tục đồng tình, ủng hộ trong đợt lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Lực lượng vũ trang Việt Nam là lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng và nhân dân.                                                                                                                                                                                                                                                                Ảnh:P.V
Lực lượng vũ trang Việt Nam là lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng và nhân dân. Ảnh: P.V


Hơn nữa, trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc thay đổi quốc hiệu như một số ý kiến "đề xuất" có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, làm phân tâm xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp như phải thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Đồng thời, quốc hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân ta và các nước trên thế giới trong suốt gần 4 thập kỷ qua.

Vai trò lãnh đạo của Đảng

Hiến định “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”; “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” là tư tưởng xuyên suốt khẳng định vị trí, vai trò duy nhất lãnh đạo của Đảng và là nguyên tắc sống còn của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.

Là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo, Đảng ta không chỉ đề ra Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng và chính sách, chủ trương lớn, bằng sự gương mẫu của đảng viên... Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn khẳng định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Đây là sự khẳng định cần thiết nhằm bảo đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng của mình, đồng thời là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát, giúp cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Như vậy, hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết, thể hiện ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Đất đai là một loại tư liệu sản xuất đặc biệt, nguồn lực to lớn của đất nước và là nguồn sống của nhân dân. Đối với nước ta, đất đai đã được bao thế hệ người Việt Nam bảo vệ, gìn giữ không chỉ bằng mồ hôi mà còn bằng chính xương máu của mình. Vì vậy, đất đai không thể và không bao giờ được coi là đối tượng sở hữu của cá nhân nào, mà nó phải thuộc sở hữu của tất cả mọi người dân Việt Nam. Giả sử, nếu đất đai thuộc sở hữu tư nhân, thì hệ lụy đầu tiên là sẽ diễn ra các cuộc đấu tranh đòi lại quyền sở hữu nhà, đất trong quá khứ. Và cuộc đấu tranh đó chắc chắn sẽ không có hồi kết.

Thứ nữa là, nếu đất đai thuộc sở hữu tư nhân sẽ diễn ra tình trạng tập trung đất đai trong tay một số người có nhiều tiền, dẫn đến có người sở hữu quá nhiều đất, người không có tấc đất cắm dùi. Nếu đất đai thuộc sở hữu tư nhân, thì sự phát triển kinh tế-xã hội sẽ bị cản trở, vì người sở hữu đất có quyền đòi hỏi mua bán, chuyển nhượng với bất cứ giá nào, hoặc nếu cần thì bỏ hoang không sử dụng, cũng như chuyển mục đích sử dụng mà không ai có quyền thu hồi. Nếu đất đai thuộc sở hữu tư nhân thì ai dám chắc không có tình trạng người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân. Hậu quả thì ai cũng có thể nhận thấy rất rõ ràng rằng chẳng những độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ không còn mà thành quả đấu tranh kiên cường mấy nghìn năm của dân tộc cũng tan thành mây khói.

Đương nhiên, một thực tế hiện nay là các vụ khiếu kiện về đất đai đã và đang diễn ra khá phổ biến, có lúc trở thành "điểm nóng". Nguyên nhân của tình trạng này không phải từ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà là do những yếu kém trong quản lý đất đai, thu hồi đất dẫn đến tình trạng một số cán bộ trong bộ máy Nhà nước lạm dụng quyền lực làm lợi cho một số người, trong khi người giữ quyền sử dụng đất đai chính đáng lại bị thua thiệt. Do đó, cùng với thực thi nguyên tắc hiến định đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì vấn đề cốt yếu nhất, quan trọng nhất là phải tôn trọng và bảo đảm cả trên pháp lý lẫn thực tế quyền sử dụng đất hợp pháp của tổ chức và công dân.

Vai trò của lực lượng vũ trang

Lực lượng vũ trang, bao gồm quân đội và công an bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp. Mục tiêu chiến đấu, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang phụ thuộc vào quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra lực lượng vũ trang đó. Trong lịch sử các chế độ chính trị-xã hội từ trước đến nay không thể có cái gọi là lực lượng vũ trang trung lập, đứng ngoài chính trị.

Lực lượng vũ trang Việt Nam trước đây và hiện nay do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của nhân dân, của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Hiến pháp, đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật cần ghi nhận và khẳng định một cách rõ ràng, dứt khoát sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đồng thời ghi nhận sự trung thành của lực lượng vũ trang đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đó là sự khẳng định một thực tế lịch sử, một hiện thực chính trị - xã hội, một tất yếu khách quan trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, làm cho sự lãnh đạo và sự trung thành này vừa mang tính chính trị, vừa mang tính pháp lý.

Rõ ràng, những vấn đề như quốc hiệu, vai trò lãnh đạo của Đảng, sở hữu toàn dân về đất đai, vai trò của lực lượng vũ trang là những vấn đề căn cốt thuộc về bản chất của chế độ, nguyên tắc của Đảng cần phải tiếp tục được khẳng định. Chúng ta dứt khoát bác bỏ các luận điệu sai trái, thù địch, núp dưới chiêu bài góp ý Hiến pháp sửa đổi, nhân danh "phản biện xã hội" hòng cổ súy cho các tư tưởng xa lạ, trái với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay./.

 


.