Thích ứng an toàn với dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất

04:09, 26/09/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.
[links()]
Xem Video:
Tham dự ở điểm cầu Trụ sở Chính phủ, có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo các tổ chức, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
 
Tại điểm cầu Quảng Ngãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Đặng Văn Minh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Võ Phiên, Trần Phước Hiền và lãnh đạo các sở, ngành, đại diện một số doanh nghiệp cùng dự.
 
Thích ứng an toàn để thực hiện “mục tiêu kép”
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, bày tỏ cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã sát cánh cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19 và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương tại điểm cầu trụ sở Chính phủ
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo các địa phương tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh: TTXVN
Sau một thời gian phòng, chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, Việt Nam đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Có được kết quả này là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.
"Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực. Ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân".
Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH
 
Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịchCovid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
 
Thủ tướng yêu cầu, hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về những giải pháp tốt nhất để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
 
Trong đợt dịch lần thứ 4, nhiều địa phương trong nước phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp phải phong tỏa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, có Nghị quyết số 86/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến ở điểm cầu Quảng Ngãi
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến ở điểm cầu Quảng Ngãi.
Tại hội nghị, Bộ KH&ĐT đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 105, với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực. Đồng thời kiến nghị sớm tháo gỡ những mâu thuẫn, tồn tại trong các luật, đảm bảo sự thống nhất, khắc phục vướng mắc, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết; sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới; hỗ trợ người lao động; xem xét giảm chi phí dịch vụ thiết yếu như điện, xăng; giảm miễn nộp phí công đoàn…

CÓ 85.500 DOANH NGHIỆP RỜI KHỎI THỊ TRƯỜNG

Trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Các chỉ tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8 đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm, nông, ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm.

Theo khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trước hội nghị, có 92% đồng ý về quan điểm chống dịch và phát triển kinh tế nêu ra trong Nghị quyết 105 và 81% cho rằng chính sách hỗ trợ được nêu ra là kịp thời, cũng như kỳ vọng các giải pháp đưa ra sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã hiệu quả. Cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao với các quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là “Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.
 
Tại hội nghị, VCCI cũng đưa ra những đề xuất kiến nghị về giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, có các giải pháp đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh an toàn, liên tục. VCCI cho rằng, với việc thay đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang thực hiện “mục tiêu kép trong điều kiện mới”, cách tiếp cận trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng cần được thay đổi. Cùng với đó là các kiến nghị về tiêm vắc xin cho công nhân, thực hiện các quy định phòng, chống dịch phù hợp, đặc biệt khi áp dụng mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", hoàn thiện hệ thống “thẻ xanh Covid”…
 
Doanh nghiệp là chủ thể góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sát thực tế, thể hiện đồng lòng, quyết tâm cao giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp và nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
"Các biện pháp phòng, chống dịch đều phải hướng đến doanh nghiệp và xem doanh nghiệp là chủ thể góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19".
Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH
 
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt giải quyết các vướng mắc, kiến nghị, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; xây dựng chiến lược, kịch bản phòng, chống dịch cùng lúc với phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ ách tắc về hồ sơ, thủ tục cho các doanh nghiệp…
 
Sau hội nghị, các doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị thì gửi văn bản lên cấp có thẩm quyền để được giải quyết trong thời gian sớm nhất. Thủ tướng cho rằng, một cuộc trao đổi không thể giải quyết được hết các vấn đề. Do đó, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng thông cảm, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn…
 
THANH PHƯƠNG

 


.