Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2022

02:09, 15/09/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 15/9, tại Hà Nội, Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển KT- XH và đầu tư công năm 2022 vùng miền Trung và Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ KH& ĐT Trần Duy Đông chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. 
[links()]
 
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi có Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.
 
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 14 tỉnh, thành và là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Năm 2021, mặc dù triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu KT- XH trong bối cảnh có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng các tỉnh trong vùng đã bám các chỉ đạo của Chính phủ nên đến nay, kinh tế tiếp tục giữ vững được sự tăng trưởng, bảo đảm thực hiện mục tiêu ‘kép’ có hiệu quả.
 
Theo báo cáo của Bộ KH& ĐT, 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng ước đạt 6,4%, cao hơn bình quân cả nước vào cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao như: Quảng Nam (11,71%), Thanh Hóa (8,66%), Nghệ An (7,58%), Bình Thuận (7,53%). Tổng vốn ngân sách nhà nước giao cho các địa phương trong vùng là 68.107 tỷ đồng; 8 tháng đầu năm thu ngân sách các địa phương đạt 139,3 nghìn tỷ đồng, đạt 88% so với dự toán năm, cao hơn bình quân chung cả nước. …
 
Hoạt động sản xuất, kinh doanh cả 3 khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng, xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc y tế, người có công, người nghèo, bị ảnh hưởng dịch bệnh được đảm bảo. 
 
Tuy nhiên, do dịch diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống nhân dân. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp là TP.Đà Nẵng (4,99%), Khánh Hòa (0,49%)... Nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động có kinh nghiệm, tay nghề cao do các doanh nghiệp dừng hoạt động. Người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, kéo dài. 
 
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương đã phát biểu nêu lên một số lý do chưa đạt chỉ tiêu tăng trưởng cũng như tăng thu ngân sách, kinh nghiệm và giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; lý do đề xuất đầu tư công địa phương năm 2022 tăng so với năm 2021…. Dự kiến năm 2022, nhu cầu vốn đầu tư công trong vùng là 91.641 nghìn tỷ đồng, tăng 34,55% so với năm 2021. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh phát biểu ý kiến tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh phát biểu ý kiến tại hội nghị
 
Phát biểu tại điểm cầu Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND Đặng Văn Minh đánh giá, năm 2021, Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung đã gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, trong quá trình điều hành KT-XH gặp rất nhiều bất lợi. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị nên trong 8 tháng năm 2021, Quảng Ngãi tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KT-XH đạt được nhiều thành tựu quan trọng. So với bình quân chung của các tỉnh miền Trung, Quảng Ngãi đạt ở mức trung bình và khá. Trong đó, thu ngân sách 8 tháng đạt 14.746 tỷ đồng, đạt gần 92%; dự kiến đến 30/10, Quảng Ngãi sẽ hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của trung ương giao; giải ngân vốn đầu tư công trung hạn đạt 53%... 
 
Thời gian qua, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất gặp khó khăn; các sản phẩm chủ lực của Nhà máy bia Sài Gòn – Quảng Ngãi đã dừng sản xuất, sản phẩm sản xuất trước đó cũng không tiêu thụ được. Trong khi đó, đây là hai đơn vị đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Vì vậy, dù Quảng Ngãi đã kiểm soát được dịch nhưng trong điều kiện như hiện nay, sẽ tác động rất lớn cho sự phát triển KT-XH của Quảng Ngãi. 
 
Từ nay đến cuối năm, Quảng Ngãi vẫn còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước và đặc biệt là đối với các tỉnh phía nam. Trước tác động của dịch bệnh, Quảng Ngãi cũng đã dự lường và đưa ra hai phương án, kịch bản tăng trưởng trong năm 2021 là 8% hoặc 9% để triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế. 
 
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, năm 2021, Quảng Ngãi bố trí vốn giải ngân vốn đầu tư công trung hạn tương đối thấp theo phân bổ của trung ương, kể cả nguồn lực của tỉnh vì Quảng Ngãi là một trong những tỉnh hụt thu ngân sách lớn 2 năm liên tiếp. Đến thời điểm này, Quảng Ngãi đã giải ngân được 2.020 tỷ đồng, đạt 56,3% kế hoạch trung ương giao, đạt 46,5% kế hoạch tỉnh giao. Tỉnh sẽ quyết tâm đến 31/12/2021, giải ngân đạt 100%, không chuyển sang tháng 1/2022.
 
Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Quảng Ngãi dự kiến, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trưởng bình quân 2,5-3,5%; GRDP bình quân đầu người 3.250USD/năm; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm 65-66%... Đối với đầu tư công trung hạn năm 2022, tổng nhu cầu vốn đầu tư công của Quảng Ngãi trên 8.749 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 5.747 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương hơn 3.000 tỷ đồng. 
 
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiến nghị Bộ KH&ĐT bổ sung huyện đảo Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2021-2025 giống như huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị theo Quyết định 131/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, giữ nguyên các chế độ, chính sách của huyện Lý Sơn như trước đây (giai đoạn còn chính quyền cấp xã)... Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị, Bộ KH&ĐT sớm phân khai kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đối với nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2022 cho các dự án đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định…
 
Trên cơ sở tiếp thu, lắng nghe các ý kiến phát biểu, đề xuất từ các tỉnh, tại hội nghị, đại diện Bộ KH&ĐT giải đáp các đề xuất của các địa phương.
H.P

.