Các ý kiến tham luận trách nhiệm, tâm huyết với Đại hội

08:10, 23/10/2020
.
(Baoquangngai.vn)-  Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, các đại biểu đã tham luận đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề, lĩnh vực quan trọng trong phát triển KT- XH, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Báo Quảng Ngãi  điện tử lược ghi một số tham luận tại Đại hội.
Đồng chí Trần Mỹ Ái- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh:  “Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát huy nội lực của nền kinh tế trong thời gian đến”.
DSC03737.JPG
Đồng chí Trần Thị Mỹ Ái

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở tỉnh Quảng Ngãi có vai trò quan trọng trong phát triển KT- XH, đóng góp không nhỏ vào GRDP, tạo công ăn việc làm, ổn định kinh tế. Khối DNNVV đóng góp gần 30% GRDP của tỉnh, thu ngân sách từ DNNVV chiếm khoảng 27% tổng thu từ khối doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho gần 52.000 lao động (chiếm 67% lao động trong các doanh nghiệp). Tuy nhiên, so với các địa phương trong khu vực và cả nước, còn nhiều hạn chế về quy mô, mức độ đóng góp và chưa phát huy hết tiềm năng của mình. 

Trong thực tiễn hoạt động, DNNVV của tỉnh còn gặp những khó khăn do tác động từ yếu tố khách quan và chủ quan, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó, có yếu tố xuất phát từ những vướng mắc về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính; khả năng tiếp cận nguồn lực cho sản xuất kinh doanh như: Thông tin chính sách, pháp luật, tiếp cận vốn, tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, thiếu hụt lao động có kỹ năng; môi trường đầu tư kinh doanh; liên kết giữa các DNNVV còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. 
 
Để góp phần thúc đẩy phát triển khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh công tác nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển DNNVV. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận, trong đó cần tập trung vào một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, đất đai, thuế, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động... Đồng thời, giảm bớt gánh nặng về thanh, kiểm tra cho các doanh nghiệp, đặc biệt tránh tình trạng thanh tra trùng lặp, chồng chéo. 
 
Ban hành và triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ DNVVN tỉnh, chú trọng nhóm các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
 
Cần thiết kế các chính sách hỗ trợ DNNVV phù hợp với các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp và chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cần tập trung vào cơ chế tạo kết nối, gặp gỡ giữa các nhóm doanh nghiệp và phổ biến thông tin.
 
Về tiếp cận đất đai, đẩy mạnh các hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường quyền sử dụng đất một cách bình đẳng, hạn chế cơ chế xin – cho. Tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động. Điều tra, nắm chắc nhu cầu nhân lực; định kỳ cập nhật, phân tích dự báo cung – cầu lao động, nhu cầu việc làm, nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm theo địa chỉ, đào tạo thông qua đặt hàng của doanh nghiệp, đào tạo theo thị trường…
 
Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân trao đổi với các đại biểu tại Đại hội
Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân trao đổi với các đại biểu tại Đại hội
Đồng chí Lữ Ngọc Bình- Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy:  “Giải pháp đổi mới, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian đến”
 
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện việc đổi mới, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành các kế hoạch đề ra. Hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ngãi được sắp xếp, kiện toàn tổ chức và các cơ cấu bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm số lượng cấp phó; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác này, tỉnh Quảng Ngãi còn gặp một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Để đổi mới, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị tỉnh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian đến tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề cao nhận thức về vấn đề cải cách tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị là bức thiết, vừa cấp bách, vừa lâu dài, xuyên suốt trong nhiều năm đến.
 
Cấp ủy các cấp phải có quyết tâm cao, tạo được sự thống nhất, đoàn kết, đồng thuận trong thực hiện. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tại cơ quan, đơn vị. Lấy hiệu quả công việc, sản phẩm đầu ra làm thước đo chủ yếu đánh giá việc thành công của chủ trương này.
 
Triển khai đánh giá việc thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương tại Kết luận số 74-KL/TW ngày 22/5/2020 của Bộ Chính trị với tinh thần trung thực, khách quan, bám sát thực tiễn, làm rõ nguyên nhân thành công và hạn chế, rút kinh nghiệm, đề xuất với Trung ương điều chỉnh, bổ sung kịp thời những bất cập.
 
Đồng thời, triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ để sắp xếp các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện nhất là về tiêu chí thành lập phòng, ban, chi cục và số lượng cấp phó. Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Rà soát việc tổ chức, hoạt động của các hội đặc thù để có những chủ trương phù hợp; khắc phục tình trạng thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên; giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp; giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý Nhà nước.
 
Tinh gọn bộ máy phải gắn liền với việc kiểm soát đánh giá chất lượng đầu ra, hiệu quả công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chú trọng các biện pháp cụ thể khắc phục các hạn chế, khuyết điểm phát hiện qua sơ kết, tổng kết; yêu cầu xây dựng và thực hiện các quy trình nghiệp vụ chuyên môn rõ ràng, cụ thể, công khai, minh bạch; chú trọng quan hệ phối hợp công tác giữa các vị trí việc làm và giữa các cơ quan, tổ chức. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả quản lý công.
 
Cùng với đó, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo các Kế hoạch của Tỉnh ủy để kịp thời biểu dương khen thưởng các địa phương, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu có thành tích xuất sắc có cách làm hay, mô hình mới hiệu quả trong triển khai thực hiện, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
 
Đồng chí Lương Kim Sơn- Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh: “ Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh” 
 
DSC03603.JPG
Đồng chí Lương Kim Sơn
Phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh ta trong giai đoạn tiếp theo. Đây được xem là một trong những nhân tố quan trọng, là lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, thu hút đầu tư và phát triển KT- XH của tỉnh. Nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và xây dựng nông thôn mới, với lợi thế là địa phương có cơ cấu lao động trẻ và khá dồi dào, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên so với dân số khoảng 60%, trong xu thế đón sự dịch chuyển mạnh về đầu tư của các nước phát triển trên thế giới và sự cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút đầu tư của các tỉnh, thành trong khu vực. 
 
Dự báo nhu cầu nhân lực cần phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của tỉnh trung bình khoảng 6-7 nghìn lao động/năm, tập trung chủ yếu vào lao động có trình độ đào tạo sơ cấp và trung cấp. Nhiều dự án lớn, với nhu cầu nhân lực tăng đột biến trong thời gian nhất định, do đó đòi hỏi cần có một chiến lược thích hợp để kịp thời đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển KT- XH.
 
Điều đó đặt ra, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cần tập trung mạnh vào các ngành nghề đào tạo phục vụ phát triển công nghiệp, cơ khí, điện năng, luyện kim, xây dựng, công nghiệp chế biến nông – lâm - thủy sản, dệt may, điện tử, du lịch, quản trị, logistics, nông nghiệp chất lượng cao… nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án lớn, tạo đột phá phát triển KT- XH của tỉnh, trong đó Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp của tỉnh, Khu Công nghiệp VSIP là trụ cột trung tâm. 
 
Cần tập trung thay đổi cách thức đào tạo theo hướng chủ động mở ra các kênh tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để phân loại và xây dựng hệ thống thông tin về nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực theo từng nhóm các nhà đầu tư và liên tục cập nhật, thay đổi theo xu thế đầu tư và phát triển công nghệ của thế giới. 
 
Đồng chí Nguyễn Đăng Vinh- Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa: “Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”.
 
DSC03850.JPG
Đồng chí Nguyễn Đăng Vinh

Với điểm xuất phát còn rất thấp tại thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới năm 2011, huyện Tư Nghĩa chỉ đạt bình quân 4,23 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân năm 2011 đạt 15,2 triệu đồng/người/năm; năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo là 11,52%, đến cuối năm 2018 huyện đã có 13/13 xã đạt 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, thu nhập bình quân đến năm 2019 đạt 39,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,34%; xây dựng gần 330 km đường giao thông nông thôn; hơn 100 km kênh mương; 5 trạm y tế; 12 nhà văn văn hóa xã; 64 nhà văn hóa thôn…; 7 thôn được UBND tỉnh công nhận đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (dự kiến cuối năm 2020 hoàn thành và công nhận thêm 10 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu) và huyện được Hội đồng thẩm định Trung ương họp và thống nhất đề nghị Thủ tướng Chỉnh phủ công nhận huyện Tư Nghĩa đạt huyện nông thôn mới vào năm 2019. 

Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Tư Nghĩa rút ra một số bài học kinh nghiệm cụ thể  là: Phải luôn thấm nhuần và phát huy cao độ quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh  về “lấy dân làm gốc”. Với phương châm: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm của công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm cho Nhân dân hiểu được tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, khi lòng dân đã thuận thì mọi việc sẽ khơi thông.
 
Các định rõ cơ chế: Nhà nước và Nhân dân cùng làm, Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, huy động sức dân để lo cho cuộc sống của Nhân dân, như vậy ở đây người dân được xác định là chủ thể, là nhân tố quyết định cho sự thành công hay thất bại, làm cho mọi người dân hiểu rằng xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao chất lượng sống cho chính mình, từ đó có biện pháp huy động đạt hiệu quả, phù hợp với sức dân.
 
Phải xem nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, vì vậy phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, bộ phận để bắt tay vào công việc, tránh đùn đẩy, chồng chéo và không chịu trách nhiệm. Tổ chức đảng phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo bằng các Nghị quyết, Chương trình; HĐND, UBND xây dựng Kế hoạch cụ thể hóa thực hiện các Nghị quyết của Đảng; Mặt trận, đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân với phương châm: Dân biết – Dân bàn – Dân làm – Dân kiểm tra và dân được hưởng lợi.
 
Thực tế về xây dựng nông thôn mới đã cho thấy rằng, muốn đạt được các tiêu chí cụ thể đã đề ra, cần tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, từng địa phương, từng thôn xóm, từng gia đình, người người thi đua, nhà nhà thi đua, tôn vinh những gương người tốt, việc tốt, huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng dân cư, từ cấp trên hỗ trợ và con em địa phương làm ăn ở những nơi khác, đồng thời đa dạng hóa việc huy động nguồn lực như ai có đất thì hiến đất, ai có sức lao động thì hiến công, ai có điều kiện thì đóng góp kinh phí, tất cả điều hướng về mục tiêu Chung tay xây dựng nông thôn mới.
 
Đồng thời, xây dựng kế hoạch và phương pháp thực hiện nhiệm vụ một cách khoa học, linh hoạt và phù hợp với thực tế. Từ xây dựng kế hoạch đến quyết tâm chính trị, kiểm tra, giám sát, đôn đốc một cách thường xuyên, liên tục và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở và địa phương.
 
Xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ lâu dài, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Vì vậy, khi đã được công nhận là huyện nông thôn mới cần phải xác định rõ đó mới chỉ là kết quả bước đầu, không được chủ quan, thỏa mãn, mà cần phải có quyết tâm cao hơn để nâng chuẩn danh hiệu nông thôn mới theo hướng nâng cao và kiểu mẫu, đặt biệt chú trong nâng cao tiêu chí sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi liên kết giá trị, sản xuất theo hướng gia tăng giá trị, tăng thu nhập cho người dân.
 
M.Toàn- H.P (lược ghi)

.