Bài học từ Đà Nẵng

09:08, 07/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này có thể khẳng định, Bệnh viện Đà Nẵng là ổ dịch Covid -19 siêu lây nhiễm ở cộng đồng trong lần bùng phát dịch thứ hai ở nước ta kể từ ngày 25.7 đến nay, với ca bệnh đầu tiên là 416.
 
Theo số liệu thống kê, đến chiều ngày 3.8 (trong 10 ngày), cả nước có 195 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan trực tiếp đến các ca bệnh ở Đà Nẵng. Nghĩa là, trung bình 1 ngày có 19,5 ca dương tính với SARS-CoV-2, phần lớn là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và thân nhân chăm sóc người bệnh. Đây là mức độ lây nhiễm nhanh nhất ở nước ta kể từ ngày dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam.
Điều đó để thấy rằng, dịch Covid -19 không loại trừ bất kỳ một ai nếu lơ là, chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Trường hợp để phát sinh ổ dịch ngay trong các cơ sở y tế thì mức độ lây nhiễm chéo sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều. Điển hình như các ca bệnh 600, 561, 599, 598, 597, 561 và 523 đều có liên quan và bắt nguồn từ ca bệnh 522 (đều ở Quảng Nam và có mối quan hệ gia đình). Nghiêm trọng hơn là, điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và sự an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ khi phải đương đầu với “cuộc chiến chống dịch Covid-19”. Thực tế cho thấy, trong đợt dịch này đã có một số y, bác sĩ bị dương tính với SARS-CoV-2 và có 6 ca bệnh tử vong (nguyên nhân chính là do tuổi cao, bệnh nền tương đối nặng). 
 
Tại Quảng Ngãi, trong đợt dịch này cũng có 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện trong tỉnh và có liên quan đến các ca bệnh ở Đà Nẵng. Điều đáng nói là, các ca bệnh này (419 và 590) trước khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 đã đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi và Bệnh xá B21, buộc 2 cơ sở này phải tạm ngừng hoạt động và một số y, bác sĩ phải cách ly.
 
Qua đó cho thấy, vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức hết trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; khai báo chưa đầy đủ khi có các yếu tố liên quan đến dịch tễ Covid-19, dẫn đến các y, bác sĩ bị động trong công tác phòng ngừa. Vì thế, các cơ sở y tế trong tỉnh cần phải đề cao cảnh giác không chỉ trong đợt dịch này, mà cả sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh; không nên để bị động như các bệnh viện tại Đà Nẵng vừa qua.
 
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, dịch Covid-19 có thể bùng phát ở Đà Nẵng khoảng 2 đợt (đầu tháng 7 và trung tuần tháng 7). Do đó, việc truy tìm F0 hiện nay chỉ còn có giá trị tham khảo, vì dịch đã lan rộng ra ngoài cộng đồng. Vì vậy, trong những ngày qua, cả hệ thống chính trị ở Quảng Ngãi đã vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đặc biệt là ngành y tế để truy tìm các trường hợp F1, F2, F3... liên quan đến các ca bệnh để khoanh vùng, cách ly và tổ chức xét nghiệm sàng lọc, điều trị kịp thời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động khai báo y tế; cách ly và tham gia công tác phòng, chống dịch Covid -19; đóng góp vật chất, tinh thần để giúp đỡ những trường hợp bị cách ly tập trung...
 
ĐỨC NGUYỄN
 

.