Nhận thức và thực thi

09:06, 07/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách đ̉ể khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đã ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo về công tác này. Mới đây, Tỉnh ủy cũng có Công văn số 4347 chỉ đạo về vấn đề này. Điều đó cho thấy, tỉnh Quảng Ngãi rất quyết tâm trong thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù sản lượng thủy sản xuất khẩu của Quảng Ngãi không nhiều như các tỉnh, thành ven biển khác.
Sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh đã góp phần thay đổi rất lớn trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và ngư dân trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, được các đoàn kiểm tra của trung ương đánh giá cao. Thế nhưng, mới đây một ngư dân ở Lý Sơn lại có hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp ở nước ngoài, buộc tỉnh phải xử phạt trên 900 triệu đồng và ngư dân này cũng đã chấp hành. Nhận định về vụ việc này, lãnh đạo một số đơn vị chức năng của tỉnh cho rằng, đây là hệ lụy của việc thực thi các quy định về xử lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác hải sản bất hợp pháp ở Quảng Ngãi chưa thật sự nghiêm minh, phần lớn mới dừng lại ở công tác giáo dục là chính, dẫn đến một số ngư dân không chấp hành quy định pháp luật trong khai thác hải sản; chứ không phải ngư dân vi phạm là do nhận thức không đầy đủ, hay thiếu thông tin.
 
Việc thực thi các quy định pháp luật về khai thác hải sản không đúng quy định ở Quảng Ngãi còn thể hiện ở chỗ, đến cuối tháng 5.2020, toàn tỉnh mới có 2.148/3.351 tàu có chiều dài 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 64,1%. Trong đó, nhóm tàu 24m trở lên chỉ có 87/175 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 49,7%. Như vậy, cơ quan chức năng của tỉnh khó có thể kiểm soát hoạt động của những tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hình trình. Một số tàu đã lắp đặt thì xuất hiện tình trạng lúc mở, lúc tắt, gây khó khăn cho cơ quan quản lý.
 
Một thông tin khác cũng rất đáng lo ngại trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC là, Quảng Ngãi có khoảng 400 tàu dưới 15m chưa có đầy đủ các thủ tục giấy tờ hợp pháp theo quy định và 1.000 tàu trên 15m tham gia khai thác hải sản nhưng thường xuyên không cập cảng trong tỉnh, nên không thể quản lý được. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố có biển yêu cầu kiên quyết không cho tàu của ngư dân Quảng Ngãi ra khơi, nếu không có đầy đủ thủ tục giấy tờ theo quy định, song công tác phối hợp thực thi kiến nghị của Quảng Ngãi ở một số tỉnh, thành phố vẫn chưa tốt, nên ngư dân vẫn được ra khơi mặc dù không có đầy đủ thủ tục theo quy định.
 
Đồng thời, nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh cũng chưa đảm bảo, chỉ có 19 biên chế, trong khi tỉnh Bình Định, Khánh Hòa có 54 biên chế, Ninh Thuận 51 người, Quảng Nam 32 người... và cũng là tỉnh duy nhất trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển chưa có tàu kiểm ngư. Vậy nên, việc thực thi các quy định về xử lý và xử phạt ngư dân vi phạm các quy định pháp luật trong khai thác hải sản chưa nghiêm là điều khó tránh khỏi.
 
ĐỨC NGUYỄN
 

.