Nông nghiệp trước nguy cơ biến đổi khí hậu

09:11, 30/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Biến đổi khí hậu (BĐKH) là câu chuyện của toàn thế giới đang phải đối mặt, trong đó Việt Nam lại nằm trong số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện tại, sản lượng lúa ở Việt Nam, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long đủ cung cấp cho nhu cầu nội địa, đồng thời xuất khẩu.
TIN LIÊN QUAN

Tuy nhiên, tình hình sẽ khác khi đồng bằng sông Cửu Long chịu hạn hán liên tiếp và xâm nhập mặn ở mức độ cao. Bấy giờ, vùng trồng lúa sẽ bị thu hẹp rất lớn, cũng như nguy cơ mất mùa sẽ hiện hữu. Bấy giờ, sản lượng lúa ở vùng đất Chín Rồng này sẽ bị giảm rất nặng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực nội địa, chứ chưa nói đến chuyện xuất khẩu.

Miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, đất trồng lúa không nhiều, diện tích không rộng, nhiều vùng trồng lúa có diện tích khá lắt nhắt. Nhưng từ xưa, đây vẫn là đất trồng lúa cung cấp lương thực đủ cho miền Trung. Dù vậy, từ nhiều năm nay, diện tích đất trồng lúa đã bị thu hẹp rất đáng báo động. Một số nơi "phân lô bán nền" ngay trên đất trồng lúa.

Do trồng lúa bây giờ cho thu hoạch tính ra tiền không cao, người trồng lúa không có lãi bao nhiêu, nên nông dân ngày càng ít mặn mà với công việc trồng lúa. Họ phải kiếm tiền bằng các hoạt động lao động khác, trong khi chỉ sản xuất lúa gạo đủ chi dùng trong gia đình.
 
Đó là một cơ hội cho hoạt động “phân lô bán nền” ngay trên ruộng lúa phát triển ồ ạt. Diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp qua từng năm và chẳng bao lâu nữa, miền Trung sẽ không tự túc được lương thực theo nghĩa là tự bảo đảm an ninh lương thực cho mình. Biến đổi khí hậu tác động xấu tới cả nước, trong đó miền Trung chịu tác hại rất nặng nề, từ hạn hán cực đoan tới lũ lụt cực đoan.

Chính vì thế, miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, cần hết sức bảo vệ diện tích đất trồng lúa của mình, đồng thời phối hợp với các nhà khoa học tìm những giống lúa có khả năng chịu hạn nặng, có khả năng chống thời tiết cực đoan, trong khi vẫn bảo đảm chất lượng gạo.
 
Nhiều giống lúa nông dân miền Trung đang trồng cho chất lượng gạo không cao, đồng thời lại không chống chịu được thời tiết cực đoan. Những dự báo về việc thế giới thiếu lương thực trong vòng 10 năm nữa, đặc biệt ảnh hưởng tới người nghèo, tới những quốc gia bị BĐKH làm cho sản lượng lúa gạo giảm mạnh, phải là hồi chuông cảnh báo cho Việt Nam nói chung, cho miền Trung nói riêng.
 
Trong khi đó, dường như chúng ta vẫn chưa có bất cứ động thái nào đối mặt với tình hình và tìm ra những giải pháp thích hợp. Biến đổi khí hậu thực sự là một tai họa, vì vậy cần đối phó với nó như đối phó với tai họa lâu dài và ngày càng khắc nghiệt.

Nhiều quốc gia đã phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp để trợ giúp hữu hiệu cho nông nghiệp trong tình hình BĐKH tăng tốc. Những giống lúa mới đã được nghiên cứu lai tạo, những phương pháp tưới nước tiết kiệm đã được áp dụng, chất lượng gạo sạch và gạo ngon được đặc biệt chú trọng. Và trên hết, việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia được đặt ra khẩn thiết.

Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng cần ý thức sâu sắc câu chuyện này và cần trang bị cho mình những phương án bảo vệ nền nông nghiệp của mình. Vì BĐKH đến ngay và không chờ chúng ta.

THANH THẢO
 

.