Khi cam Úc tràn vào Việt Nam

10:09, 03/09/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Theo Tổ chức Horticulture Innovation Australia (Đổi mới trồng trọt Úc), dự kiến năm 2019, nước này sẽ xuất sang Việt Nam 4.694 tấn cam navel, tăng 108% so với năm 2018 (2.253 tấn), trở thành thị trường tăng trưởng lớn nhất của các nhà xuất khẩu cam Úc. Ngoài cam, Việt Nam còn cho phép nhập khẩu nho, anh đào (cherry) và quýt từ Úc.

Cam Úc, từ chỗ thuế suất nhập khẩu là 10%, năm 2019 chỉ còn 3%, và sẽ về 0% vào năm 2020. Giá cam Úc bán cho người tiêu dùng cũng giảm từ mức hơn 100.000 đồng/kg vào năm 2015 còn khoảng 70.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại. Và sẽ giảm sâu hơn vào năm 2020 khi thuế suất chỉ là 0%.

Giá cam nội địa Việt Nam hiện bán trên thị trường từ 30.000đồng/kg tới 40.000đồng/kg, chỉ bằng 50% giá cam Úc. Nhưng sang năm, sẽ có biến động giá, lúc bấy giờ, cam Úc nói riêng, cam ngoại nhập nói chung sẽ cạnh tranh giá với cam nội địa.

Những Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký, dĩ nhiên không chỉ có lợi cho Việt Nam. Mình được lợi cái này thì người ta được lợi cái khác và hoàn toàn bình đẳng về lợi ích cũng như về rủi ro.

Các mặt hàng xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sẽ đứng trước những thách thức lớn, chủ yếu là từ chất lượng sản phẩm. Trong khi giá cam organic nội địa Việt Nam luôn ở mức cao, thì sản phẩm organic mang thương hiệu Việt Nam lại chưa phổ biến trên thị trường.
 
Nếu các loại trái cây Việt Nam, đặc biệt là cam, đều được trồng theo chế độ organic, thì hoàn toàn không đáng lo cho đầu ra, vì xu hướng của người tiêu dùng Việt, nếu chất lượng cùng organic, giá lại mềm hơn, thì trái cây Việt sẽ được chọn mua.

Cam Úc cũng chưa chắc đã organic toàn bộ, có khi lượng cam xuất sang Việt Nam mà non-organic vẫn chiếm số lượng lớn, nhưng vì đó là “cam ngoại”, giá cũng mềm, nên người tiêu dùng Việt vẫn chọn mua.

Ở đây, không có chuyện “ưu tiên” cho sản phẩm Việt, nếu rau củ quả Việt vẫn là non-organic. Chỉ khi nào rau củ quả Việt hoàn toàn organic, lúc ấy, sản phẩm Việt sẽ đủ sức cạnh tranh từ nội địa tới xuất khẩu.

Không chỉ thế giới, bây giờ người tiêu dùng Việt cũng bắt đầu tôn vinh chữ SẠCH rồi. Từ mua sữa tươi tới mua hoa quả, cứ organic là người ta chọn một cách dễ dàng và tin cậy.

Đây là xu hướng tất yếu và nếu Bộ Công thương cũng như Bộ NN&PTNT không nhanh chóng nhận ra xu hướng này để tập trung xây dựng chuẩn organic cho sản phẩm nông nghiệp, thì chỉ sang năm thôi, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ thất thế ngay trên “sân nhà”.

Với một kinh nghiệm rất nhỏ, khi tôi “định hướng” cho gia đình cháu tôi ở quê làm rau sạch “đúng chuẩn organic”, thì sau gần 2 năm, tôi nhận thấy, việc làm này không quá khó đối với nông dân, vì họ có đủ phân bón hữu cơ sạch, đủ công bắt sâu và một khi họ làm rau sạch một thời gian, thì không-gian-rau của họ cũng bắt đầu sạch, và thiên địch sẽ trở lại giúp họ trừ sâu bọ.
 
Cái quan trọng nhất là họ phải kiên trì với công việc trồng rau sạch, kiên quyết không dùng thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật, mặc kệ Bộ NN&PTNT cứ cho nhập tràn lan các loại thuốc này. Nói “không” với các loại thuốc độc hại, đồng nghĩa với cứu đất đai khỏi bị hủy diệt, đồng thời cho ra được những sản phẩm thuần organic.

Cùng với canh tác, nếu nhân được giống sạch, người nông dân sẽ chủ động được sản phẩm của mình, bảo đảm “sạch 100%”. Đó sẽ là sản phẩm bán chạy nhất, được giá nhất hiện nay. Khi sản phẩm nông nghiệp sạch, mùi hương sẽ trở lại với rau củ quả, và nhất là trở lại với gạo.
 
Điều đang sợ nhất là tất cả các loại gạo gọi là "đặc sản” của chúng ta hiện nay đều mất mùi thơm khi được nấu cơm. Nó mất mùi hương từ gốc, là từ giống. Và mất trong quá trình canh tác non-organic. Khi gạo nấu thành cơm mà không có mùi thơm, thì không thể gọi là “gạo đặc sản”, dù dưới bất cứ tên tuổi truyền thống nào.        
 
 THANH THẢO

.