Thận trọng là cần thiết

09:08, 22/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sắp xếp, sáp nhập, kiện toàn một số huyện không đảm bảo các tiêu chí theo quy định là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nên phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Vì thế, trong thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác này; đồng thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án tổ chức thực hiện theo đúng lộ trình.

TIN LIÊN QUAN

Theo đó, Quảng Ngãi có 4 huyện không đảm bảo các tiêu chí theo quy định phải thực hiện sáp nhập. Cụ thể là, huyện Tây Trà nhập vào huyện Trà Bồng, huyện Sơn Tây nhập với huyện Sơn Hà và huyện Minh Long nhập với huyện Nghĩa Hành.

Là cơ quan tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh trong xây dựng đề án thực hiện chủ trương này, Sở Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và các địa phương có liên quan tiến hành khảo sát tình hình thực tế ở mỗi địa phương, kết hợp lắng nghe ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã triển khai công tác này với tinh thần quyết tâm chính trị cao, nhưng cũng hết sức thận trọng.

Một góc trung tâm xã Trà Trung - Tây Trà. Ảnh TL.
Một góc trung tâm xã Trà Trung, huyện Tây Trà. Ảnh TL.

Sự thận trọng trong công tác này là cần thiết. Bởi lẽ, đây không chỉ đơn thuần là sáp nhập về mặt thủ tục, địa giới hành chính, mà liên quan trực tiếp đến vấn đề tư tưởng cán bộ; phong tục, tập quán của người dân mỗi vùng, miền và sự phát triển bền vững, ổn định ở các địa phương. Thực tế trong những năm qua, cùng với nguồn vốn của Nhà nước và huy động trong dân, các huyện Tây Trà, Sơn Tây và Minh Long đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là ở khu vực trung tâm huyện lỵ.

Đến nay, khu vực trung tâm của các huyện trên đều cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, đảm bảo đúng lộ trình thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển đô thị ở các huyện miền núi trong tỉnh. Vì thế, nếu quyết định sáp nhập thì ngay từ lúc này phải xây dựng phương án quản lý, sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, vì chỉ cần không sử dụng một năm, thì những trụ sở đó sẽ nhanh chóng xuống cấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Cùng với đó, sau khi sáp nhập cũng sẽ phát sinh những bất cập, khó khăn trong việc đi lại làm thủ tục thay đổi giấy tờ cá nhân, gia đình của người dân. Nếu cấp ủy các cấp không làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người dân thì chắc chắn sẽ phát sinh những bức xúc trong nhân dân.

Trước những vấn đề đặt ra đó, tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ cho Quảng Ngãi trước mắt chỉ sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng. Trong quá trình triển khai, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời những bất cập, phát sinh có thể xảy ra; đồng thời rút kinh nghiệm để triển khai đối với những địa phương còn lại thuộc diện phải sáp nhập khi hội đủ điều kiện. Đây có lẽ cũng là nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và người dân ở các địa phương trên.


ĐỨC NGUYỄN
 

.