Phải quy rõ trách nhiệm

02:05, 07/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2011 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo thực hiện đối với công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, Tỉnh ủy khóa XIX đã ban hành Nghị quyết 05/2016 về CCHC, nhất là cải cách TTHC tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016- 2020.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) nằm trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt thứ hạng cao trong "nhóm tốt" của cả nước.

TIN LIÊN QUAN

Như vậy có thể khẳng định rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đối với công tác CCHC, nhất là cải cách TTHC đã được triển khai đầy đủ, kịp thời. Song, điều không vui là, kết quả CCHC trong nhiều năm qua đều tỷ lệ nghịch so với mục tiêu và sự kỳ vọng của tỉnh. Năm 2018, PCI Quảng Ngãi xếp thứ hạng 41/63 tỉnh, thành phố, với tổng số điểm đạt được 62,4 điểm, giảm 0,76 điểm và giảm 16 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2017.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể khẳng định là do các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác CCHC; đồng thời buông lỏng công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện những nhiệm vụ được UBND tỉnh giao hằng năm. Thực tế cho thấy, từ nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa có cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị bị xử lý kỷ luật khi để chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cấp sở, ngành, địa phương giảm, ngoại trừ những trường hợp vi phạm pháp luật.

Theo VCCI, so với năm 2017 thì Quảng Ngãi có 5 chỉ số vừa giảm điểm, vừa giảm bậc, gồm: Tính minh bạch, đào tạo lao động, gia nhập thị trường, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Trong đó, tính minh bạch là tiêu chí “nhạy cảm” nhất trong công tác cải cách TTHC, bởi lẽ một khi tính minh bạch không được các cơ quan hành chính nhà nước thực thi đầy đủ thì sẽ kéo theo tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức gây khó dễ tổ chức, cá nhân để nhũng nhiễu, tư lợi cho cá nhân.

Do đó, vấn đề cốt lõi đặt ra đối với công tác cải cách TTHC hiện nay ở tỉnh ta là phải tìm ra cho được tổ chức và cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm chính khi để chỉ số PCI của tỉnh ngày càng đi xuống, trong khi văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này đều được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời. Không vì cho rằng công tác CCHC là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để rồi quy trách nhiệm một cách chung chung như bấy lâu nay.

Bởi lẽ, một khi quy rõ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân khi để chỉ số PCI của tỉnh xuống thấp, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm minh, công khai thì chắc chắn công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh trong những năm đến sẽ có những chuyển biến tích cực.

Đức Nguyễn
 


.