Việc làm cấp thiết

03:04, 30/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị 06 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm cấp thiết, nhằm góp phần hạn chế tối đa tai nạn đuối nước ở trẻ em.

TIN LIÊN QUAN

Những năm gần đây, tình hình tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn ở mức đáng báo động. Năm 2015 xảy ra 29 vụ/33 trẻ em bị tử vong do đuối nước; năm 2016 xảy ra 26 vụ/38 trẻ em tử vong; năm 2017 xảy ra 27 vụ/31 trẻ em tử vong và năm 2018 là 25 vụ/30 trẻ em bị tử vong.

Những con số thống kê trên cho thấy, nguy cơ đuối nước luôn rình rập trẻ em ở khắp mọi nơi, nhất là vào mùa hè. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó nguyên nhân phổ biến là do thiếu sự giám sát, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ.

Như mới đây, trên địa bàn xã Ba Trang (Ba Tơ) xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, khiến cháu bé 9 tháng tuổi tử vong. Nguyên nhân được xác định là do vợ chồng ông Phạm Văn Quý và bà Phạm Thị Lái ở thôn Nước Đang đi làm ruộng xa nhà. Vì không có ai trông con nhỏ, nên 2 vợ chồng mang theo con là P.T.B mới 9 tháng tuổi. Đêm khuya, bé thức dậy bò rơi xuống suối và bị đuối nước. khi hai vợ chồng phát hiện thì bé đã bị tử vong.

Theo Chỉ thị 06, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng, các hội đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã, trưởng thôn, cơ quan, đơn vị, trường học với công tác quản lý trẻ em, để không xảy ra đuối nước ở trẻ em tại địa phương, đơn vị mình. Đồng thời, rà soát, phát hiện kịp thời các hố sâu, ao hồ, sông, bãi tắm, các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, hoặc có nguy cơ xảy ra đuối nước, để có biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Hiện nay, việc dạy bơi cho trẻ em vẫn còn có những hạn chế nhất định, tỷ lệ trẻ em được“phổ cập” về kỹ năng bơi lội, cứu đuối chưa nhiều. Do đó, việc triển khai chương trình dạy bơi, kỹ năng cứu đuối và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em trong thời gian nghỉ hè là rất cần thiết. Và hơn hết, các ngành chức năng, hội đoàn thể, các địa phương và nhất là các bậc phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong việc quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ, nhằm tránh xảy ra những sự việc đau lòng.
 

P.DANH - T.MINH
 


.