Nữ doanh nhân và người mẹ bán xôi

11:03, 08/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Việt Nam hiện nay, nữ doanh nhân chiếm 27,8% tổng số doanh nhân, cao nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 7/54 quốc gia có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Và ở Việt Nam hiện nay, chủ các gánh xôi chè truyền thống vẫn chủ yếu là phụ nữ.

Nữ doanh nhân và nữ chủ nhân gánh xôi truyền thống, họ giống nhau khi đều là phụ nữ, đều lấy nghiệp “kinh tế thị trường” làm nghề nghiệp chính của mình. Họ có thể khác nhau về thu nhập, nhưng không thể khác nhau ở mục tiêu phục vụ khách hàng. Đối với họ, dù khách hàng là người mua xôi sáng hay là khách mua vé máy bay, thì đều là khách hàng, đều là “thượng đế” theo một nghĩa nào đó. Dĩ nhiên, từ chủ một gánh xôi đến tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn có nhiều cái khác nhau. Và điều đó nói lên, người phụ nữ Việt Nam đã vươn mình như thế nào trong nền kinh tế thị trường, đã bắt nhịp thế nào với cuộc sống hiện đại.

Ngày xưa, người ta cứ mặc định phân công phụ nữ làm công việc nội trợ trong nhà. Bây giờ, đó vẫn là một chức phận thiêng liêng của người phụ nữ, khi họ là người “giữ lửa” cho ngôi nhà hạnh phúc. Nhưng không chỉ dừng ở đó, người phụ nữ hiện đại còn làm được những việc lớn mà ngày trước hầu như chỉ dành cho đàn ông.

Hạnh phúc có thể rất cao rộng, nhưng có thể chỉ trong tầm tay, chỉ trong mỗi ngôi nhà. Người phụ nữ vừa làm những việc lớn, vừa làm những việc mà bây giờ người ta cho là “nhỏ”. Thực ra, nó chả nhỏ tí nào. Đó là gánh vác để cuộc sống gia đình luôn giữ được thăng bằng, luôn có được tiếng cười và những ánh mắt yêu thương trong ngôi nhà dù nhỏ dù lớn. Hạnh phúc không đo bằng độ rộng lớn “hoành tráng” của những ngôi biệt thự, hay sự nhỏ bé khiêm tốn của những ngôi nhà bình thường.

Tôi rất ấn tượng với những nữ doanh nhân thành đạt, nhưng tôi kính trọng những người phụ nữ làm chủ một gánh xôi, nhưng là “gánh xôi hòa bình”, gánh xôi được chọn phục vụ cho các nhà báo quốc tế trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua.

Một người mẹ bán xôi ở Phú Thượng - làng xôi chè truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội - đã vui mừng đến mức “gánh luôn gánh xôi đang bán về nhà” khi biết tin được chọn để phục vụ Trung tâm báo chí quốc tế trong Hội nghị thượng đỉnh. Mỗi ngày, thương hiệu xôi chè Phú Thượng chuẩn bị 40 – 50kg xôi, trưng bày, sắp xếp thành nhiều khuôn hình đa dạng, đẹp mắt khác nhau phục vụ phóng viên.

Khi tận mắt chứng kiến sự hài lòng và tình cảm biết ơn của những phóng viên quốc tế, người mẹ nghệ nhân làng nghề Phú Thượng đã xúc động nói: “Mặc dù món xôi chè rất bình thường và dân dã, nhưng đây là sản phẩm đặc trưng của hội làng nghề truyền thống Phú Thượng chúng tôi. Trực tiếp chứng kiến và cảm nhận sự hài lòng của các nhà báo quốc tế khi họ dùng món xôi này, thật sự tôi cảm thấy hạnh phúc”.

Đó là tình cảm của cả một dân tộc quý khách, yêu chuộng hòa bình và tình thân ái giữa mọi con người trên thế giới, nó được thể hiện qua bát xôi bình dị của một người phụ nữ Việt Nam mời phóng viên quốc tế.

Đó là niềm hạnh phúc mà một nghệ nhân, một người lao động bình thường có được trong một sự kiện chính trị mà chúng ta ít nghĩ có liên hệ trực tiếp tới họ.

Những nữ doanh nhân và những phụ nữ bán xôi, họ đều được tôn vinh ngang nhau trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3. Và đó chính là niềm hạnh phúc cho tất cả những người phụ nữ Việt Nam, dù họ đang làm bất cứ công việc gì, ở bất cứ địa vị xã hội nào.  


 THANH THẢO
 


.