Cảnh giác với tin đồn

04:03, 18/03/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, trên tài khoản Zalo của một phụ nữ chuyên kinh doanh bất động sản ở huyện Tư Nghĩa có đăng một đoạn ngắn với nội dung rất lập lờ, nói về việc có một tập đoàn tên Dubai, với tài sản 120 tỷ USD đang nghiên cứu làm khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc bờ biển Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi).
TIN LIÊN QUAN

Chủ tài khoản Zalo nói trên không quên “chua” vô một câu đầy ẩn ý: Rất phù hợp với hàng loạt siêu dự án cầu Cửa Đại, đập dâng sông Trà, khu tâm linh Thiên Mã, bờ biển Mỹ Khê... Cứ theo đó mà suy thì, một tập đoàn “khủng” với số tiền 120 tỷ USD như vậy mà đầu tư vô Nghĩa An, thì đất ở các dự án kia ắt sẽ... lên giá thôi. Ai đầu cơ đất nên nhanh chân mua ngay kẻo... trâu chậm uống nước đục!

Trước đó, cũng trên một tài khoản Facebook ở Quảng Nam có đăng thông tin là TP. Đà Nẵng sẽ có thêm một quận mới và thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) sẽ nhập về Đà Nẵng! Cũng theo cách ấy mà suy, thêm một quận mới ắt đất quanh “quận mới” ấy sẽ tăng giá! Điện Bàn mà nhập về Đà Nẵng, thì giá đất sẽ sốt!

Từ sau tết Kỷ Hợi đến nay, nếu như giá đất ở các thành phố thường hay “sốt” như TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang hoặc Hà Nội vẫn “đứng im”, thì đất ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi lại "sốt xình xịch"! Dĩ nhiên, "sốt đất" ở những địa phương nói trên không phải xuất phát từ những tin đồn, song không thể phủ nhận những tác động dù là ít ỏi của những tin đồn đó.

Những người buôn đất hoặc những ai có nhu cầu mua đất làm nhà, họ chả dại gì chạy theo tin đồn để bị hớ hàng cả. Có tập đoàn nào mang tên Dubai đâu mà tin kia chứ! Cũng như làm gì có chuyện thị xã Điện Bàn nhập về Đà Nẵng mà tất cả các báo chính thống đều im ru như thế cả.

Chả người buôn đất, mua đất nào lại đi tin vào những “fake news” (tin giả) như thế, song  người dân ở những vùng mà nguồn tin giả ấy đề cập đến thì lại... xôn xao. Vì vậy, Nhà nước mà có ý định đầu tư một công trình công cộng nào vào những chỗ ấy thì coi như... đứng bánh với chuyện giải phóng mặt bằng. Tin đồn ấy, trong trường hợp này không còn là việc “thổi giá đất” để trục lợi mà là ngăn cản Nhà nước thực thi nhiệm vụ. Tin đồn nguy hiểm là ở chỗ này, chứ không hẳn là nó làm cho “quả bong bóng đất” chuẩn bị nổ.

Bây giờ, mạng lưới Internet phổ biến tới mọi ngõ ngách, nên ai cũng có thể làm “tổng biên tập” của “tờ báo” do mình “sáng lập” cả. Vì vậy, tương tự như chuyện nhà đất, những ngày qua, cơ quan chức năng liên tục truy tìm và xử phạt những người đã tung tin dịch tả heo Châu Phi ở những nơi không hề có dịch và kêu gọi tẩy chay cả thịt heo sạch!

Để khỏi bị cuốn vào những tin đồn ác ý, mỗi người cần tự hình thành cho mình một “bộ lọc” để gạt bỏ những thứ rác rưởi đang nhan nhản trên không gian mạng.    

   
       TRẦN ĐĂNG
 


.