Từ chuyện điều chỉnh lương hưu

10:12, 05/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lương hưu của nữ vừa được điều chỉnh lại theo Nghị định 153/2018/NĐ-CP và sẽ có hiệu lực từ tháng 12 này. Việc điều chỉnh này nhằm khắc phục thiệt thòi của những lao động nữ khi về hưu trong giai đoạn từ năm 2018-2021.

Trước đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được ban hành đã gây ra nhiều tranh cãi, bởi sự bất hợp lý về quy định mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018.

Cụ thể là, điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định về mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Theo đó, số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (giảm từ 1 đến 10%). Không những thế, điều này còn có sự chênh lệch giữa lao động nữ và lao động nam (giảm từ 1 đến 2%).

Chính sự bất hợp lý này mà tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua nghị quyết giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1.1.2018 đến 31.12.2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam, do thay đổi cách tính lương hưu. Và đó cũng là căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP.

Như vậy, lo lắng của những lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018 và trong giai đoạn từ nay đến năm 2021 cũng đã được giải tỏa, vì được hưởng lương hưu bình đẳng với nam giới. Qua việc điều chỉnh này cho thấy, những tâm tư, nguyện vọng của người dân đã được các cấp có thẩm quyền lắng nghe và giải quyết hợp lý. Tuy nhiên, qua việc này một lần nữa phản ánh chất lượng việc xây dựng và ban hành chính sách của Nhà nước còn nhiều hạn chế.

Đối với những lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1.1.2018, quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo, khi BHXH các tỉnh, thành tiến hành chi tiền truy lĩnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm giữa mức lương hưu trước và sau khi thực hiện điều chỉnh đến trước ngày nhận lương hưu mới theo quy định tại Nghị định 153/2018/NĐ-CP. Song khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực đã gây không ít xáo trộn, dẫn đến việc thực hiện chính sách về an sinh xã hội cũng bị ảnh hưởng nhất định.

Từ việc điều chỉnh hương lưu lần này, đòi hỏi các nhà nghiên cứu chính sách, những “nhà làm luật” cần làm tốt hơn việc khảo sát, lấy ý kiến đối tượng bị điều chỉnh, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là nâng cao vai trò phản biện xã hội của các cơ quan liên quan, của các chuyên gia, nhà khoa học; cũng như nâng cao trách nhiệm tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo; bảo đảm dân chủ trong xây dựng pháp luật, nhằm hạn chế ban hành ra những văn bản bất hợp lý và thiếu tính thực tiễn.                         

HOÀNG TRIỀU
 


.