Thực phẩm "tốt cho sức khỏe"

11:11, 03/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm gần đây, ở ta cũng đã bắt đầu nghe thấy nhiều hơn cụm từ: Thực phẩm “tốt cho sức khỏe”. Dĩ nhiên, không phải thực phẩm nào cũng tốt cho sức khỏe, nhưng có những loại thực phẩm đã được khoa học chứng minh là tốt cho sức khỏe, đã được người tiêu dùng xác nhận là tốt cho sức khỏe, vậy thì có thể “chấm” những loại thực phẩm ấy trong gói thực phẩm mà gia đình thường dùng.

Bây giờ, người Nhật lại giúp chúng ta xác định những loại thực phẩm Việt Nam nào có thể xuất sang Nhật và được trìu mến gọi là những thực phẩm “tốt cho sức khỏe”. Toàn là những thứ rau củ quả mà người Việt chúng ta xưa nay vẫn trồng, vẫn ăn, nhưng nhiều khi chưa xác định được một cách khoa học giá trị “tốt cho sức khỏe” của chúng.

Bây giờ thì ai cũng vui lòng xác nhận: Một trong những tiêu chuẩn lớn của cuộc sống hạnh phúc chính là sức khỏe. Có sức khỏe, nhất là sức khỏe ở những người đã cao tuổi, là một yếu tố cơ bản để có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Ở những quốc gia nghèo, nhưng có “chỉ số hạnh phúc” rất cao, thường thì người dân ở đó có sức khỏe cộng đồng tốt, có sự vui vẻ và an lạc trong đời sống, có những hoạt động tinh thần và tâm linh phù hợp với những khát vọng nhân bản và đặc biệt có những thực đơn bữa ăn hằng ngày tuy không “hoành tráng”, nhưng lại rất tốt cho sức khỏe.

Bây giờ, tôi xin nói một trải nghiệm của mình về thực phẩm “tốt cho sức khỏe”. Tôi có một người bạn, hơn tôi hai tuổi, đã về hưu khá lâu rồi. Anh lại bị một căn bệnh khá nan y là ung thư dạ dày. Ai cũng biết, đây là căn bệnh rất khó chữa bằng tây y. Vốn là một người lính mạnh mẽ và năng động, bạn tôi đã tự chữa bệnh cho mình. Anh lui về quê, trồng rau sạch cây ăn quả sạch trong vườn nhà mình và trồng khá nhiều một loại rau thơm có tên là... tía tô, một cái tên quá quen với người Việt chúng ta. Mỗi bữa ăn, bạn tôi không ăn gì khác ngoài những cuốn tía tô, cuốn bánh tráng và chấm mắm. Anh ăn trường kỳ như vậy, mà vẫn khỏe, vẫn đi lại rất nhanh nhẹn, 75 tuổi rồi vẫn cưỡi xe máy ào ào giữa TP.Hồ Chí Minh...

Lâu nay, chúng ta mới nghe thông tin là người Nhật đã mở cửa nhập rau tía tô tím của Việt Nam, với một lý do khá đơn giản. Người Nhật chuyên ăn những món hải sản, vì họ là dân quốc đảo, trong đó có nhiều món ăn theo kiểu gỏi sống, gọi là sushi. Đó là những món ăn rất dễ dẫn tới bệnh gút, một căn bệnh bây giờ đang lan rộng ở Việt Nam. Thế nhưng, người Nhật lại ít bị bệnh này, do họ ăn sushi kèm với... lá tía tô Việt Nam.

Tôi cũng bị bệnh gút và lâu nay dù kiêng cữ rất nhiều, uống đủ loại thuốc, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Tôi nghe câu chuyện ăn lá tía tô chữa ung thư dạ dày của bạn tôi, rồi lại nghe chuyện người Nhật ăn lá tía tô Việt Nam kèm hải sản gỏi sống để phòng chống bệnh gút, tôi bèn thử. Tôi đã ăn lá tía tô theo đúng “bài” của bạn tôi từ ngót tháng nay và cảm thấy rất có triển vọng. Dù chưa đi hết con đường chữa bệnh, nên chưa dám nói trước, nhưng tôi cảm thấy lá tía tô của chúng ta đúng là một thực phẩm “tốt cho sức khỏe”.

Cũng như quả đậu bắp. Cũng chính người Nhật đã nhập đậu bắp từ Việt Nam theo đúng khẩu hiệu “thực phẩm tốt cho sức khỏe” của họ. Tía tô và đậu bắp là hai loại cây rau rất phổ biến ở Việt Nam, lại thuộc bảng thực phẩm “tốt cho sức khỏe” mà người Nhật, thị trường Nhật hết sức khó tính đã chọn, nhưng chúng ta hình như còn khá thờ ơ với chúng. Còn những loại rau củ quả khác nữa của Việt Nam cũng ở trong bảng “tốt cho sức khỏe” mà chúng ta chưa để ý tới.

Vậy thì, hãy học tập người Nhật, đưa khẩu hiệu “tốt cho sức khỏe” trở thành một khẩu hiệu thường trực trong các bữa ăn của người Việt. Học tập người khác để mình tốt hơn, khỏe mạnh hơn thì hà cớ gì không học chứ?


THANH THẢO
 


.